Gãy xương thái dương có thể xảy ra sau chấn thương nghiêm trọng ở đầu và đôi khi ảnh hưởng đến các cấu trúc của tai, gây mất thính giác, chóng mặt, rối loạn thăng bằng, hoặc liệt mặt.
Gãy xương thái dương được gợi ý bởi
Dấu hiệu Battle (bầm tím sau tai)
Chảy máu tai
Chảy máu có thể từ tai giữa (xuất huyết hòm nhĩ) qua màng nhĩ rách hoặc từ đường gãy trong ống tai. Xuất huyết màng nhĩ khiến cho màng nhĩ có màu xanh đen. Chảy dịch não tủy ra tai chứng tỏ vùng tai giữa thông với khoang dưới nhện.
Gãy xương thái dương được phân loại theo hướng tạo với trục xương đá của thái dương. Gãy dọc chiếm từ 70 đến 90% gãy xương thái dương, và gãy ngang chiếm từ 10 đến 30%. Một số gãy xương có thể có đặc điểm của cả hai kiểu.
Gãy dọc có thể kéo dài qua tai giữa và làm rách màng nhĩ; các phần gãy này gây liệt dây thần kinh mặt ở 20% số trường hợp và có thể gây ra nghe kém (thường là dẫn truyền).
Gãy ngang vượt qua ống Fallop và mê nhĩ, gây liệt mặt ở khoảng 40% ở bệnh nhân và thỉnh thoảng bị mất thính lực (thường là tiếp nhận) và rối loạn tiền đình (như chóng mặt, rối loạn thăng bằng).
Hiếm khi điếc tiếp nhận và rối loạn tiền đình xảy ra khi gãy xương thái dương, nó có thể là do rò ngoại dịch tai trong. Liệt mặt hoàn toàn ngay lập tức gợi ý dây thần kinh mặt đứt hoặc dập nát, trong khi tình trạng liệt mặt hoàn toàn khởi phát muộn thường do sự phù nề và thần kinh còn nguyên vẹn.
© Springer Science+Business Media
Chẩn đoán gãy xương thái dương
Chụp CT
Đánh giá chức năng thần kinh mặt và thính giác
Nếu nghi ngờ gãy một xương thái dương, ngay lập tức chụp CT sọ mặt và chú ý vào xương thái dương. Khám âm thoa nghiệm pháp Rinne và Weber có thể được thực hiện trong thăm khám ban đầu ở những bệnh nhân còn tỉnh táo để giúp phân biệt giữa nghe kém dẫn truyền và nghe kém tiếp nhận. Tuy nhiên, dùng thính lực kế là cần thiết cho tất cả các bệnh nhân bị gãy xương thái dương. Nếu có hiện tượng liệt mặt, điện cơ dây thần kinh mặt.
Điều trị gãy xương thái dương
Xử trí chấn thương dây thần kinh mặt, mất thính giác, rối loạn chức năng tiền đình và rò rỉ dịch não tủy (CSF)
Điều trị dựa trên việc kiểm soát tổn thương dây thần kinh mặt, mất thính giác, rối loạn tiền đình và rò dịch não tủy. Nếu liệt mặt ngay sau chấn thương kèm điện chẩn mất phản hồi, cần phẫu thuật thăm dò. Liệt mặt khởi phát muộn hoặc liệt mặt không hoàn toàn hầu như luôn được điều trị bảo tồn trước, bao gồm việc sử dụng corticosteroid theo liều giảm dần.
Nghe kém dẫn truyền cần phải tái tạo lại chuỗi xương con trong vài tuần đến vài tháng sau chấn thương. Có thể mong đợi kết quả tốt. Khi nghe kém tiếp nhận xảy ra,nó thường là vĩnh viễn, và không có phương pháp điều trị y khoa hoặc phẫu thuật để cải thiện thính giác hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp hiếm hoi của mất thính giác tiếp nhận dao động, phẫu thuật mở màng nhĩ thăm dò tìm lỗ rò ngoại dịch có thể được tiến hành.
Khi có sự rối loạn tiền đình mà nguyên nhân từ rò ngoại dịch, việc phẫu thuật sửa chữa có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và thường xuyên của giai đoạn chóng mặt. Khi các rối loạn chức năng do chấn thương dây thần kinh tiền đình hoặc mê đạo tiền đình, ít can thiệp có hiệu quả. Triệu chứng có thể giảm khi dùng thuốc benzodiazepine. Việc cải thiện có thể diễn ra dài hơn khi có phục hồi chức năng tiền đình.
Những bệnh nhân bị gãy xương thái dương và rò dịch não tủy qua tai nên được nhập viện vì có nguy cơ bị viêm màng não. Mặc dù cần đặt dẫn lưu thắt lưng hoặc phẫu thuật vá rò nhưng có khi sự rò rỉ có thể tự hết trong vài ngày. Ống tai không được bơm rửa hay nắn kéo. Kháng sinh dự phòng được sử dụng trong một số trường hợp.
Những điểm chính
Gãy xương thái dương có thể gây ra chảy máu tai, chảy máu sau màng nhĩ, mất thính giác, rối loạn tiền đình, và/hoặc gây liệt thần kinh mặt.
Chụp CT chú ý đến xương thái dương, giới thiệu bệnh nhân đi đo thính lực và nếu nghi ngờ liệt dây thần kinh mặt, hãy xắp xếp việc kiểm tra điện của dây thần kinh mặt.
Điều trị trực tiếp để kiểm soát sự tổn thương thần kinh mặt, mất thính giác, rối loạn tiền đình và rò rỉ dịch não tủy.