Sốt Q là một bệnh cấp tính hoặc mạn tính gây ra bởi trực khuẩn giống rickettsial Coxiella burnetii. Bệnh cấp tính biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, khó chịu, và viêm phổi kẽ. Bệnh mạn tính biểu hiện hệ thống cơ quan bị ảnh hưởng. Chẩn đoán xác định bằng một số kỹ thuật huyết thanh học, phân lập vi sinh vật hoặc PCR. Điều trị bằng doxycycline.
(Xem thêm Tổng quan về Nhiễm trùng Rickettsial và liên quan.)
Coxiella burnetii là một loại trực khuẩn nhỏ ký sinh nội bào bắt buộc, không còn được coi là Rickettsia. Các nghiên cứu mức độ phân tử đã phân loại lại nó như thuộc Proteobacteria trong cùng một nhóm với các chủng Legionella.
Sốt Q có thể
Cấp tính
Mạn tính
Bệnh cấp tính biểu hiện sốt có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, mặc dù đôi khi ảnh hưởng tới gan. Phụ nữ bị nhiễm trong khi mang thai có nguy cơ xảy thai và đẻ non hơn.
Sốt Q mạn tính xảy ra ở < 5% số bệnh nhân. Thường biểu hiện viêm nội tâm mạc hoặc viêm gan; viêm xương tủy xương có thể gặp.
Phân bố sốt Q trên toàn thế giới được duy trì như một nhiễm trùng không rõ ràng ở động vật nuôi trong nhà hoặc trang trại. Cừu, gia súc, dê là những vật chủ chính để lây nhiễm cho người. C. burnetii vẫn tồn tại trong phân, nước tiểu, sữa và các mô (đặc biệt là nhau thai), dạng mang mầm bệnh và gây nhiễm trùng lây lan dưới dạng bụi dễ dàng. C. burnetii cũng được duy trì trong tự nhiên thông qua chu kỳ ve - động vật, nhưng động vật chân đốt không liên quan đến nhiễm bệnh ở người.
Căn nguyên của Sốt Q
Các trường hợp sốt Q xảy ra trong số những người lao động có nghề nghiệp tiếp xúc gần gũi với động vật nông trại (thường không có triệu chứng) hoặc sản phẩm từ chúng. Sự lây truyền thường là do hít phải các sol khí truyền nhiễm có thể di chuyển xa ảnh hưởng đến những người sống ở phía sau của một trang trại dê hoặc cừu bị nhiễm bệnh. Cũng có thể bị lây nhiễm bệnh khi uống sữa tươi bị nhiễm khuẩn.
C. burnetii rất độc, chống lại sự bất hoạt, và vẫn tồn tại trong bụi và phân hàng tháng; thậm chí một sinh vật đơn lẻ có thể gây bệnh. Do những đặc điểm này, C. burnetii là một tiềm năng trở thành tác nhân chiến tranh sinh học.
Lây bệnh từ người sang người rất hiếm.
Các triệu chứng và dấu hiệu của sốt Q
Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 18 đến 21 ngày (khoảng từ 9 đến 28 ngày). Sốt Q cấp tính thường không có triệu chứng; ở những bệnh nhân khác, bắt đầu đột ngột với các triệu chứng giống cúm: sốt, đau đầu dữ dội, ớn lạnh, khó chịu nghiêm trọng, đau cơ, chán ăn, và đổ mồ hôi. Sốt có thể tăng đến 40°C và duy trì từ 1 đến > 3 tuần.
Hiếm khi, sốt Q cấp tính biểu hiện dưới dạng viêm não hoặc viêm màng não.
Các triệu chứng về hô hấp (ho khan, đau ngực kiểu màng phổi) xuất hiện từ 4 đến 5 ngày sau khi bệnh khởi phát. Những triệu chứng này có thể đặc biệt nặng ở bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhân bị suy nhược. Khám lâm sàng, nghe phổi tiếng crakles và dấu hiệu gợi ý triệu chứng đông đặc phổi. Không giống như bệnh rickettsial, sốt Q cấp tính không nổi ban.
Sự xuất hiện viêm gan cấp ở một số bệnh nhân tương tự viêm gan virut với triệu chứng như sốt, khó chịu, gan lách to với đau bụng trên bên phải và có thể vàng da. Đau đầu và các dấu hiệu hô hấp thường không có.
Hội chứng mệt mỏi sau sốt Q đã được báo cáo là xảy ra ở 20% số bệnh nhân bị sốt Q cấp tính (1). Bệnh nhân cho biết mệt mỏi nghiêm trọng, đau cơ, đau đầu, sợ ánh sáng và/hoặc thay đổi tâm trạng và thay đổi giấc ngủ.
Sốt Q mạn tính có thể xuất hiện trong vòng vài tuần tới nhiều năm sau khi nhiễm trùng ban đầu. Những người có tiền sử dị tật van tim, phình động mạch hoặc ghép mạch máu có nhiều nguy cơ bị bệnh sốt Q mạn tính. Mang thai và ức chế miễn dịch cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh sốt Q mạn tính. Viêm gan biểu hiện như sau sốt không rõ nguyên nhân. Sinh thiết gan có thể thấy u hạt, cần được chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác gây u hạt trong gan (ví dụ lao, sarcoidosis, bệnh nấm histoplasma, bệnh do brucella, bệnh tularemia, giang mai).
Viêm nội tâm mạc tương tự như viêm nội tâm mạc bán cấp có nuôi cấy âm tính viêm nội tâm mạc vi khuẩn; van động mạch chủ hay bị nhất, sùi van có thể bị ở bất kỳ van tim nào. Dấu hiệu ngón tay dùi trông, thuyên tắc động mạch, gan to, lách to, mảng xuất huyết có thể gặp. Chỉ có 20 đến 40% số bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc do sốt Q có các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.
Tỷ lệ tử vong do sốt Q cấp tính chỉ khoảng 1% ở những bệnh nhân không được điều trị. Viêm nội tâm mạc do sốt Q mạn tính không được điều trị luôn gây tử vong. Điều trị kháng sinh đầy đủ làm giảm tỷ lệ tử vong đối với viêm nội tâm mạc do sốt Q xuống < 5% (2). Một số bệnh nhân có tổn thương thần kinh do bị suy giảm sức khỏe còn lại.
Tài liệu tham khảo về các dấu hiệu và triệu chứng
1. Centers for Disease Control and Prevention: Information for Healthcare Providers, Q Fever
2. Million M, Thuny F, Richet H, et al: Long-term outcome of Q fever endocarditis: a 26-year personal survey. Lancet Infect Dis 10(8):527-35, 2010. doi: 10.1016/S1473-3099(10)70135-3
Chẩn đoán sốt Q
Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang (IFA) hoặc phản ứng chuỗi polymerase (PCR) của mẫu mô hoặc mẫu máu bị nhiễm bệnh
Đôi khi sử dụng xét nghiệm huyết thanh học giai đoạn cấp tính và giai đoạn hồi phục
Triệu chứng không rõ ràng để chẩn đoán sốt Q. Triệu chứng không rõ ràng để chẩn đoán sốt Q Giai đoạn sớm, sốt Q giống với nhiều bệnh nhiễm trùng (ví dụ: cúm, các bệnh nhiễm virut khác, nhiễm salmonella, sốt rét, viêm gan, nhiễm Brucella). Giai đoạn sau, giống với nhiễm khuẩn khác, nhiễm virus và các loài mycoplasma và các vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình khác. Tiếp xúc với động vật hoặc các sản phẩm chế biến từ động vật là một gợi ý quan trọng.
Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang (IFA) của mô nhiễm bệnh là phương pháp được sử dụng làm chẩn đoán, các phương pháp chẩn đoán thay thế có thể thực hiện là xét nghiệm miễn dịch hấp phụ gắn enzyme (ELISA). Xét nghiệm mẫu huyết thanh ở giai đoạn cấp và giai đoạn hổi phục (phản ứng cố định bổ thể đặc trưng) có thể được sử dụng. Các kháng thể sinh ra với kháng nguyên ở giai đoạn II được sử dụng để chẩn đoán bệnh giai đoạn cấp tính, và các kháng thể sinh ra đối với cả giai đoạn I và giai đoạn II được sử dụng để chẩn đoán bệnh sốt Q mạn tính.
PCR có thể xác định vi sinh vật trong sinh thiết hoặc mẫu máu, nhưng kết quả âm tính không loại trừ chẩn đoán.
C. burnetii có thể được phân lập từ các mẫu bệnh phẩm, nhưng chỉ bởi các phòng thí nghiệm nghiên cứu đặc biệt; xét nghiệm máu và đờm thường là âm tính.
Bệnh nhân có các triệu chứng hoặc dấu hiệu hô hấp cần chụp X quang ngực; các dấu hiệu trên X quang ngực gồm có xẹp phổi, pleural-based opacities, tràn dịch màng phổi và đông đặc thùy phổi. Sự xuất hiện tổn thương các tổn thương phổi có thể tương tự như viêm phổi do vi khuẩn nhưng mô bệnh học lại giống như tổn thương trong bệnh sốt vẹt và viêm phổi do virus.
Trong sốt Q cấp tính, công thức máu có thể là bình thường, nhưng khoảng 30% số bệnh nhân có tăng bạch cầu. Nồng độ phosphatase kiềm, aspartate aminotransferase (AST) và alanine aminotransferase (ALT) tăng nhẹ đến 2 đến 3 lần mức bình thường trong các trường hợp điển hình. Sinh thiết được gan thì tổn thương biểu hiện là thay đổi do thâm nhiễm u hạt.
Chẩn đoán viêm nội tâm mạc do sốt Q có thể khó khăn vì cấy máu âm tính và tổn thương van tim thực vật rất nhỏ và chỉ được hình ảnh bằng siêu âm tim ở khoảng 12% bệnh nhân (xem CDC: Diagnosis and Management of Q Fever — United States, 2013: Recommendations from CDC and the Q Fever Working Group).
Điều trị sốt Q
Doxycycline
Đối với sốt Q cấp tính, điều trị ban đầu là doxycycline cho đến khi bệnh nhân cải thiện, hết sốt khoảng 5 ngày và đã được điều trị trong 14 ngày; có thể cần điều trị lâu hơn nếu bệnh nặng. KhángTetracycline chưa được ghi nhận.
Mặc dù một số loại tetracycline có thể gây xỉn màu răng ở trẻ em < 8 tuổi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyên rằng nên dùng một đợt doxycycline (1), trong 5 ngày đối với bệnh nhẹ và trong 10 ngày đối với trẻ có nguy cơ cao. Nghiên cứu chỉ ra rằng các liệu trình ngắn hạn của doxycycline (5 đến 10 ngày, như được sử dụng cho bệnh còi xương) có thể được sử dụng cho trẻ em mà không gây ố răng hoặc làm suy yếu men răng (2). Phụ nữ mang thai có thể được dùng trimethoprim/sulfamethoxazole nhưng không được dùng quá 32 tuần tuổi thai.
Đối với viêm nội tâm mạc, điều trị cần phải kéo dài (hàng tháng đến vài năm đến suốt đời), thường ít nhất là 18 tháng (3). Doxycycline cộng với hydroxychloroquine hiện được khuyến nghị. Do tác dụng bất lợi về tim của hydroxychloroquine, bệnh nhân dùng thuốc này cần phải được theo dõi khoảng QTc bằng các lần làm ECG lặp lại. Các dấu hiệu lâm sàng, tốc độ máu lắng, công thức máu, xét nghiệm kháng thể nên được theo dõi để hỗ trợ quyết định khi nào ngừng điều trị. Tham vấn với chuyên gia truyền nhiễm có thể giúp quản lý khi bệnh phức tạp và hỗ trợ điều trị. Thông thường, điều trị khác sinh chỉ có hiệu quả một phần, các tổn thương van tim cần được điều trị bằng phẫu thuật, mặc dù trong một số trường hợp điều trị khỏi mà không cần phẫu thuật.
Đối với viêm gan hạt mạn tính, phác đồ tối ưu chưa được xác định.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Centers for Disease Control and Prevention: Information for Healthcare Providers, Q Fever
2. Todd SR, Dahlgren FS, Traeger MS, et al: No visible dental staining in children treated with doxycycline for suspected Rocky Mountain Spotted Fever. J Pediatr 166(5):1246-51, 2015 doi: 10.1016/j.jpeds.2015.02.015
3. Million M, Thuny F, Richet H, et al: Long-term outcome of Q fever endocarditis: a 26-year personal survey. Lancet Infect Dis 10(8):527-35, 2010. doi: 10.1016/S1473-3099(10)70135-3
Phòng ngừa Sốt Q
Phòng ngừa bằng vắc - xin có hiệu quả ở Úc nơi mà có sẵn vắc - xin cho sốt Q, khuyến cáo nên tiêm vắc-xin để bảo vệ những người có nghề nghiệp có nguy cơ (ví dụ: lò mổ và công nhân sản xuất sữa, công nhân tái chế thực vật từ động vật, người chăn nuôi gia súc, nông trại).
Các xét nghiệm sàng lọc trước khi tiêm vắc xin gồm có xét nghiệm da, xét nghiệm máu dể đánh giá đáp ứng miễn dịch đã có với sốt Q, bởi vì tiêm vắc-xin cho những người đã có miễn dịch có thể gây ra phản ứng miễn dịch tại chỗ nghiêm trọng.
Những điểm chính
Cừu, gia súc, dê là các vật chủ chính gây nhiễm sốt Q ở người, có thể gặp trên toàn thế giới.
Việc lây truyền sang người thường do hít phải một lượng bụi có nhiễm bệnh; động vật chân đốt không có liên quan.
Các triệu chứng cấp tính giống bệnh cúm; các triệu chứng hô hấp có thể đặc biệt nặng ở bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhân bị suy nhược.
Sốt Q mạn tính xảy ra ở < 5% số bệnh nhân và thường biểu hiện dưới dạng viêm nội tâm mạc hoặc viêm gan.
Chẩn đoán bằng xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang hoặc xét nghiệm PCR ở mẫu mô hoặc mẫu máu bị nhiễm bệnh.
Điều trị sốt Q cấp tính bằng doxycycline, thường kéo dài 2 tuần hoặc lâu hơn đối với bệnh nặng; viêm nội tâm mạc cần điều trị kéo dài (nhiều tháng đến nhiều năm đến suốt đời).
Vắc-xin ngừa sốt Q chỉ có sẵn ở Úc.