Clostridia, chủ yếu là Clostridium perfringens, phổ biến trong nhiễm trùng ổ bụng hỗn hợp do vỡ nội tạng hoặc bệnh viêm vùng chậu. Các triệu chứng của nhiễm trùng bụng có thể bao gồm sốt, đau và sưng ; các triệu chứng của nhiễm trùng vùng chậu có thể bao gồm dịch tiết mùi hôi Chẩn đoán là bởi nhuộm Gram và nuôi cấy. Chẩn đoán là bởi nhuộm Gram và nuôi cấy. Điều trị bằng penicillin và phẫu thuật mở ổ tổn thương.
(Xem thêm Tổng quan về vi khuẩn kị khí và Tổng quan về Nhiễm trùng Clostridial.)
Nhiễm trùng Clostridial trong ổ bụng và tiểu khung thường nặng và đôi khi gây tử vong.
Clostridium sp là vi khuẩn cư trú phổ biến trong đường tiêu hóa của người bình thường và thường có mặt trong nhiều trường hợp nhiễm trùng trong ổ bụng, nằm chung với các vi sinh vật đường ruột khác. Clostridia thường là các tác nhân gây bệnh chính trong các bệnh sau đây:
Viêm túi mật có khí
Hoại thư sinh hơi tử cung (có thể xảy ra sau khi sinh và trước đây thường gặp ở những bệnh nhân phá thai có nhiễm trùng)
Một số bệnh nhiễm trùng đường sinh dục nữ khác (áp xe buồng trứng, khung chậu và tử cung)
Nhiễm trùng sau cắt bỏ ung thư đại tràng
Căn nguyên hàng đầu là C. perfringens và, trong trường hợp ung thư đại tràng là C. septicum. Clostridia sản sinh ngoại độc tố (lecithinase, hemolysin, collagenase, protease, lipase) có thể gây hoại tử. Sự hình thành khí là phổ biến. Nhiễm trùng máu do Clostridial có thể gây thiếu máu tan máu vì lecithinase (độc tố alpha) phá vỡ màng tế bào hồng cầu. Cùng với tình trạng tan máu tiến triển nhanh, hoại tử cơ, và độc tính cùng tồn tại, suy thận cấp có thể xảy ra.
Triệu chứng và Dấu hiệu
Các triệu chứng của nhiễm trùng do clostridial tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng bụng khác (ví dụ, đau, sốt, căng tức bụng, xuất hiện độc tố). Bệnh nhân có nhiễm trùng tử cung có thể tiết dịch âm đạo thối, có máu và đôi khi có khí tiết qua cổ tử cung. Hoại tử ống thận cấp hiếm gặp.
Nhiễm khuẩn huyết
Nhiễm khuẩn huyết là một biến chứng sau nhiễm trùng ổ bụng từ nhiễm Clostridial tử cung. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, ớn lạnh, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, vàng da, xanh tím, và thiểu niệu.
Trong số bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết do C. perfringens, 7 đến 15% các trường hợp có thể xảy ra tan huyết cấp tính trong lòng mạch máu lớn. Những bệnh nhân này có vàng da; huyết thanh và nước tiểu đỏ. Hồng cầu tròn, các tế bào bóng ma, và đôi khi C. perfringens có thể quan sát được trên tiêu bản nhuộm của bệnh phẩm máu. Cấy máu dương tính với C. perfringens.
Nhiễm khuẩn huyết do Clostridial gây suy đa tạng và thường tử vong, thường trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện.
Chẩn đoán
Nhuộm Gram và nuôi cấy
Chẩn đoán sớm nhiễm Clostridium đòi hỏi phải luôn cảnh giác cao. Nhuộm Gram sớm và nhiều lần; nuôi cấy vị trí tổn thương, mủ, sản dịch và máu được chỉ định. Nhuộm Gram từ dịch tiết vết thương có hình ảnh trực khuẩn Gram dương; không có các tế bào bạch cầu đa nhân vì bị phá hủy bởi độc tố alpha.
Vì C. perfringens đôi khi có thể phân lập được từ âm đạo và khí hư của người bình thường khỏe mạnh nên nuôi cấy không có tính đặc hiệu.
X-quang có thể cho thấy vị trí khu trú bắt đầu của khí (ví dụ như trong đường mật, thành túi mật, hoặc tử cung).
Điều trị
Phẫu thuật mở ổ tổn thương
Penicillin liều cao (hoặc carbapenem, beta-lactam/thuốc ức chế beta-lactamase, metronidazole, hoặc clindamycin)
Điều trị nhiễm trùng ổ bụng và tiểu khung bằng phẫu thuật mở ổ tổn thương và penicillin G 5 triệu đơn vị tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ trong ít nhất 1 tuần. Ngoài ra, có thể sử dụng carbapenem, beta-lactam/thuốc ức chế beta-lactamase (ví dụ: piperacillin/tazobactam) metronidazole hoặc clindamycin. Clindamycin thường được sử dụng phối hợp với penicillin vì clindamycin có khả năng ức chế sản sinh độc tố. Khi lo ngại về nhiễm nhiều loại vi khuẩn kị khí, hãy sử dụng carbapenem hoặc phối hợp thuốc ức chế beta-lactam/beta-lactamase. Xử lý cơ quan bị nhiễm (ví dụ, cắt bỏ tử cung) có thể là cần thiết và có thể cứu sống bệnh nhân nếu phẫu thuật mở ổ tổn thương là không đủ.
Nếu hoại tử ống thận cấp tiến triển, cần phải lọc máu.
Sự hữu ích của ôxyl liều cao chưa được khẳng định.
Những điểm chính
Nhiễm trùng trong ổ bụng và khung chậu do clostridial thường nặng và đôi khi gây tử vong.
Giống như các nhiễm trùng ổ bụng khác, nhiễm clostridial trong ổ bụng gây đau, sốt, bụng ấn đau, và bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng do clostridial trong tử cung có dịch âm đạo mùi thối, có thể có máu, đôi khi có khí tiết ra qua cổ tử cung.
Chẩn đoán sớm nhiễm Clostridium đòi hỏi phải cảnh giác cao; nhuộm Gram sớm và nuôi cấy nhiều lần từ các vị trí và bệnh phẩm mủ, khí hư và máu.
Điều trị bằng phẫu thuật mở ổ tổn thương và penicillin liều cao hoặc các kháng sinh khác (carbapenems, beta-lactam/beta-lactamase inhibitors, metronidazole, clindamycin).