Nhiễm trùng vết thương do cắn của bàn tay

TheoDavid R. Steinberg, MD, Perelman School of Medicine at the University of Pennsylvania
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 5 2024

Một vết thương nhỏ, đặc biệt là do người hoặc mèo cắn, có thể gây tổn thương nặng gân, bao khớp hoặc sụn khớp. Nguyên nhân phổ biến nhất của vết người cắn là vết thương do răng tại khớp bàn ngón tay do đấm vào miệng (chấn thương tay do đấm). Hệ vi khuẩn khoang miệng của con người bao gồm Eikenella corrodens, tụ cầu, liên cầu và các vi khuẩn kỵ khí. Trước khi cần đến chăm sóc y tế, những bệnh nhân bị vết thương bàn tay do đấm có xu hướng trì hoãn vài giờ hoặc vài ngày sau khi vết thương xảy ra, điều này làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. Các vết cắn động vật thường chứa nhiều mầm bệnh tiềm ẩn, bao gồm Pasteurella multocida (đặc biệt là do mèo cắn), tụ cầu, liên cầu, và vi khuẩn kỵ khí. Các biến chứng nghiêm trọng bao gồm viêm khớp nhiễm trùngviêm tủy xương.

(Xem thêm Tổng quan và đánh giá các bệnh lý bàn tay.)

Chẩn đoán nhiễm trùng vết thương do cắn

  • Đánh giá lâm sàng

  • Thường là chụp X-quang

  • Nuôi cấy dịch vết thương là thường quy

Ban đỏ và đau khu trú quanh vết cắn gợi ý tình trạng nhiễm trùng. Căng đau dọc theo đường đi của gân gợi ý lan truyền đến bao gân. Đau tăng lên nhiều khi vận động gợi ý tình trạng nhiễm trùng khớp và bao gân.

Mặc dù việc chẩn đoán các vết thương do vết cắn nhiễm trùng ở bàn tay là lâm sàng, nhưng cần chụp X quang để phát hiện gãy xương, răng hoặc các vật thể lạ khác có thể là ổ nhiễm trùng tiếp diễn.

Điều trị nhiễm trùng vết thương do cắn

  • Nạo viêm

  • Thuốc kháng sinh

Điều trị nhiễm khuẩn vết cắn bàn tay bao gồm phẫu thuật cắt lọc tổ chức hoại tử, mở rộng vết thương và điều trị kháng sinh.

Thuốc kháng sinh theo kinh nghiệm để điều trị ngoại trú thường bao gồm đơn trị liệu bằng amoxicillin/clavulanate 500 mg, đường uống 3 lần/ngày hoặc điều trị phối hợp với penicillin 500 mg uống 4 lần/ngày (đối với E. corrodens, P. multocida, streptococci và vi khuẩn kỵ khí) cộng với cephalosporin (ví dụ: ceshalexin 500 mg, đường uống 4 lần/ngày) hoặc penicillin bán tổng hợp (ví dụ: dicloxacillin 500 mg, đường uống 4 lần/ một ngày) đối với tụ cầu khuẩn. Ở những vùng mà MRSA phổ biến, nên dùng trimethoprim/sulfamethoxazole, clindamycin, doxycycline, hoặc linezolid thay cho cephalosporin. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin, có thể dùng clindamycin 300 mg uống mỗi 6h.

Bàn tay nên được nẹp ở tư thế cơ năng và nâng cao. Tuy nhiên, nên tránh bất động kéo dài các ngón tay để ngăn ngừa cứng khớp và đảm bảo phục hồi chức năng.

Các vết cắn không nhiễm trùng có thể cần phẫu thuật cắt lọc và dự phòng nhiễm trùng với liều thuốc kháng sinh bằng 50% liều được sử dụng để điều trị vết thương nhiễm trùng.

Nẹp ở tư thế chức năng (duỗi cổ tay 20 độ, gấp khớp đốt ngón tay 60 độ, gấp nhẹ khớp gian đốt ngón tay)