Nôn nghén nặng là chứng nôn mửa không kiểm soát được trong thời gian mang thai dẫn đến mất nước, sụt cân và tăng xeton. Chẩn đoán là lâm sàng và bằng cách đo lượng xeton trong nước tiểu, chất điện giải trong huyết thanh, và chức năng thận. Việc điều trị là tạm thời ngưng uống và truyền dịch tĩnh mạch, thuốc chống nôn nếu cần, và bổ sung vitamin và chất điện giải.
(Xem thêm Buồn nôn và nôn trong thời kỳ đầu mang thai.)
Mang thai thường gây buồn nôn và nôn; nguyên nhân dường như do gia tăng nhanh chóng nồng độ estrogen hoặc tiểu đơn vị beta của gonadotropin ở người (beta-hCG). Nôn thường xuất hiện ở khoảng 5 tuần tuổi, cao nhất khoảng 9 tuần, và hết ở khoảng 16 hoặc 18 tuần. Nó thường được gọi là ốm nghén, nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Phụ nữ bị buồn nôn và nôn mửa bình thường khi mang thai thường tiếp tục tăng cân và không bị mất nước.
Nôn nghén ặng là một dạng cực kỳ bình thường của buồn nôn và nôn trong thai kỳ. Nó có thể được phân biệt bởi vì nó gây ra những điều sau đây:
Giảm cân (> 5% trọng lượng)
Mất nước
Bệnh xeton
Bất thường điện giải (ở nhiều phụ nữ)
Khi tình trạng mất nước tiến triển, nó có thể gây ra nhịp tim nhanh và hạ huyết áp.
Nôn nghén nặng có thể gây ra cường giáp nhẹ, thoáng qua. Nôn nghén nặng kéo dài qua 16 đến 18 tuần là không phổ biến nhưng có thể gây tổn thương nghiêm trọng gan, gây hoại tử trung tâm tiểu thuỳ nghiêm trọng hoặc thoái hoá mỡ trên diện rộng và có thể gây ra bệnh não Wernicke hoặc vỡ thực quản.
Chẩn đoán nôn nghén nặng
Đôi khi các phép đo trọng lượng tuần tự
Ketones (xeton) trong nước tiểu
Xét nghiệm điện giải trong huyết thanh và các xét nghiệm chức năng thận
Các bác sĩ lâm sàng nghi ngờ nôn nghén nặng dựa trên các triệu chứng (ví dụ, khởi phát, kéo dài, và tần số nôn, các yếu tố làm tăng nặng hoặc giảm nhẹ, loại và khối lượng nôn). Đo cân nặng hàng loạt có thể hỗ trợ chẩn đoán.
Nếu nghi ngờ nôn nghén nặng, nên đo xeton trong nước tiểu, hormone kích thích tuyến giáp, chất điện giải trong huyết thanh, nitơ urê máu (BUN), creatinin, aspartate aminotransferase (AST), alanin aminotransferase (ALT), magiê và phốt pho. Cần phải làm siêu âm sản khoa để loại trừ chửa trứng và kiểm tra xem có đa thai hay không.
Chẩn đoán phân biệt
Các rối loạn khác có thể gây nôn phải được loại trừ; chúng bao gồm viêm dạ dày ruột, viêm gan, viêm ruột thừa, viêm túi mật, các rối loạn đường mật khác, bệnh viêm loét đường tiêu hoá, tắc ruột, cường giáp không gây ra bởi nôn nghén nặng (ví dụ, do bệnh Graves gây ra), bệnh đái tháo đường thai nghén, bệnh thận niệu, viêm bể thận, bệnh tiểu đường keton hay liệt dạ dày, tăng huyết áp nội sọ lành tính, và chứng đau nửa đầu.
Các triệu chứng nổi bật ngoài buồn nôn và nôn thường gợi ý một nguyên nhân khác.
Các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh khác được thực hiện dựa trên kết quả xét nghiệm, lâm sàng, hoặc siêu âm.
Điều trị nôn nghén nặng
Tạm thời ngưng dùng đường miệng, tiếp theo là dần dần hồi phục
Dịch, thiamin, vitamin tổng hợp, và chất điện giải khi cần thiết
Thuốc chống nôn nếu cần
Hiếm khi dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hoàn toàn
Lúc đầu, bệnh nhân không được cung cấp gì qua đường miệng. Điều trị ban đầu là truyền dịch qua đường tĩnh mạch, bắt đầu với 2 L Ringer's lactate truyền trong 3 giờ để duy trì lượng nước tiểu > 100 mL/giờ (1). Nếu dùng dextrose, thiamin 100 mg nên tiêm tĩnh mạch trước tiên, để phòng bệnh não Wernicke. Liều thiamin này nên được dùng hàng ngày trong 3 ngày.
Các yêu cầu về dịch sau đó thay đổi tùy theo đáp ứng của bệnh nhân nhưng có thể lên tới 1 lít mỗi 4 giờ cho tới 3 ngày.
Thiếu điện giải được điều trị; kali, magiê, và phốt pho được thay thế khi cần thiết. Cần thận trọng không nên điều chỉnh nồng độ natri huyết tương thấp quá nhanh vì sự điều chỉnh quá nhanh có thể gây ra hội chứng suy giảm thẩm phân.
Nôn kéo dài sau khi đã được điều trị bổ xung thay thế dịch và chất điện phân cần được điều trị bằng thuốc chống nôn khi cần:
Vitamin B6 10 đến 25 mg uống mỗi 8 giờ hoặc mỗi 6 giờ
Doxylamine 12,5 mg uống mỗi 8 giờ hoặc mỗi 6 giờ (có thể được dùng thêm cùng vitamin B6)
Promethazine 12,5 đến 25 mg đường uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, hoặc đặt trực tràng mỗi 4 đến 8 giờ
Metoclopramide 5 đến 10 mg đường tĩnh mạch hoặc đường uống, 6 đến 8 giờ một lần
Ondansetron 8 mg uống hoặc tiêm bắp, 12 giờ một lần (sử dụng trước 10 tuần tuổi thai, nên xem xét các nguy cơ tiềm ẩn về dị tật bẩm sinh)
Prochlorperazine 5 đến 10 mg uống, tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp 6 giờ một lần HOẶC 25 mg qua đường trực tràng 2 lần mỗi ngày, nếu cần
Sau khi mất nước và nôn cấp qua đi, dùng một lượng nhỏ chất lỏng đường uống. Những bệnh nhân không thể dung nạp được bất cứ loại nước uống nào sau khi hồi phục lại điện giải đường tĩnh mạch và dùng thuốc chống nôn có thể cần phải nhập viện hoặc được điều trị bằng truyền tĩnh mạch ở nhà và không dùng bất cứ thứ gì qua đường miệng trong thời gian lâu hơn (đôi khi vài ngày hoặc nhiều hơn). Một khi bệnh nhân ăn được chất lỏng, họ có thể ăn các bữa ăn nhỏ, đậm đà, và chế độ ăn uống được mở rộng. Điều trị bằng truyền vitamin đường tĩnh mạch ngay từ đầu và cho đến khi vitamin có thể được dùng qua đường miệng.
Nếu điều trị không có hiệu quả, corticosteroid có thể được thử dùng; ví dụ, methylprednisolone 16 mg, 8 giờ một lần qua đường uống hoặc qua đường tĩnh mạch có thể được dùng trong 3 ngày, sau đó giảm dần trong vòng 2 tuần tới liều thấp nhất có hiệu quả. Corticosteroid nên được sử dụng cho < 6 tuần với sự thận trọng tối đa. Không nên được sử dụng thuốc này trong quá trình hình thành cơ quan của thai nhi (từ 20 ngày đến 56 ngày sau khi thụ tinh); việc sử dụng các loại thuốc này trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ ít có liên quan đến sứt môi. Cơ chế tác dụng của corticosteroid đối với buồn nôn là không rõ ràng. Trong những trường hợp rất nặng, dinh dưỡng đường tĩnh mạch toàn bộ (TPN) được sử dụng, mặc dù việc sử dụng nó thường không được khuyến khích.
Hiếm khi có thể xảy ra tình trạng sụt cân, vàng da, hoặc nhịp tim nhanh kéo dài liên tục mặc dù đã được điều trị. Trong những trường hợp như vậy, có thể đề nghị việc chấm dứt thai kỳ, nếu có.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG): Committee on Practice Bulletins-Obstetrics. ACOG Practice Bulletin No. 189: Nausea And Vomiting Of Pregnancy. Obstet Gynecol. 2018;131(1):e15-e30. doi:10.1097/AOG.0000000000002456
Những điểm chính
Nôn nghén nặng là nôn dữ dội và nôn trong thai kỳ không giống như ốm nghén, có thể làm giảm cân, tăng xeton, mất nước, và đôi khi bất thường điện giải.
Loại trừ các rối loạn khác có thể gây nôn dựa trên các triệu chứng của người phụ nữ.
Xác định mức độ nghiêm trọng bằng cách đo điện giải huyết thanh, ketone nước tiểu, BUN, creatinine, và trọng lượng cơ thể.
Đầu tiên ngưng ăn uống qua đường miệng, truyền dịch và các chất dinh dưỡng đường tĩnh mạch, khôi phục lại lượng ăn uống dần dần và cho thuốc chống nôn khi cần thiết.