Hẹp van ba lá (TS) làm tắc nghẽn dòng máu từ nhĩ phải tới thất phải. Nguyên nhân trong hầu hết các trường hợp đều là thấp tim. Triệu chứng bao gồm cảm giác rung khó chịu ở cổ, mệt mỏi, da lạnh, và đau bụng hạ sườn phải. Mạch cảnh đập nổi rõ và tiếng thổi tiền tâm thu thường được nghe thấy ở bờ trái xương ức ở khoang liên sườn 4 và tăng lên khi hít vào. Chẩn đoán bằng siêu âm tim. Hẹp van ba lá thường lành tính, không cần điều trị đặc hiệu, nhưng bệnh nhân có triệu chứng có thể hưởng lợi từ phẫu thuật.
(Xem thêm Tổng quan về bất thường van tim.)
Hẹp van ba lá hầu như luôn do thấp tim; luôn đi kèm hở van ba lá, giống như bệnh van hai lá do thấp tim (thường là hẹp van hai lá).
Các nguyên nhân hiếm gặp của hở van ba lá bao gồm lupus ban đỏ hệ thống, u nhầy nhĩ phải, dị tật bẩm sinh và các khối u di căn.
Nhĩ phải trở nên phì đại và giãn, và từ đó gây suy tim tiến triển do hậu quả của bệnh lý thất phải, nhưng không có rối loạn chức năng thất phải (RV); thất phải vẫn có kích thước nhỏ và duy trì dưới mức đổ đầy. Rung nhĩ không xuất hiện thường xuyên.
Các triệu chứng và dấu hiệu của hẹp van ba lá
Các triệu chứng duy nhất của hẹp van ba lá nặng là cảm giác rung khó chịu ở cổ (do sóng a khổng lồ ở tĩnh mạch cổ), mệt mỏi và da lạnh (do cung lượng tim thấp), và khó chịu vùng bụng dưới (do gan to). Bệnh nhân hẹp van ba lá nhẹ không có triệu chứng.
Dấu hiệu chính nhìn thấy được là sóng a khổng lồ và sóngy giảm dần ở tĩnh mạch cổ. Có thể quan sát thấy tình trạng giãn tĩnh mạch cổ, rõ hơn khi hít vào (dấu hiệu Kussmaul). Sắc mặt u tối, các tĩnh mạch đầu có thể giãn khi bệnh nhân ở tư thế nằm (dấu hiệu suffusion). Có thể xuất hiện tình trạng sung huyết gan và phù ngoại vi.
Nghe
Tiếng clắc mở van nhẹ
Tiếng thổi giữa thì tâm thu
Hẹp van ba lá thường không phát hiện được qua nghe tim, nhưng cũng có thể thấy tiếng tách mở đầu êm dịu và tiếng rung giữa thời tâm trương nặng về thời tiền tâm thu. Tiếng rung to hơn và kéo dài khi tiến hành các nghiệm pháp làm tăng máu trở về tĩnh mạch (tập luyện, hít sâu, nâng chân, nghiệm pháp Müller), dịu hơn và ngắn hơn khi làm giảm máu trở về tĩnh mạch (đứng, nghiệm pháp Valsalva).
Các triệu chứng của hẹp van ba lá thường tồn tại song hành cùng hẹp van hai lá và thường ít nổi bật hơn. Tiếng thổi có thể được phân biệt trên lâm sàng (xem bảng Phân biệt tiếng thổi của hẹp van ba lá và hẹp van hai lá).
Chẩn đoán hẹp van ba lá
Siêu âm tim
Nghi ngờ chẩn đoán dựa trên tiền sử và khám lâm sàng, chẩn đoán xác định bằng siêu âm Doppler tim cho thấy chênh áp qua van ba lá. Siêu âm tim hai chiều cho thấy lá van dầy kèm theo giảm vận động và dầy nhĩ phải (RA).
Hẹp van ba lá nặng được đặc trưng bởi
Gradient về phía trước trung bình qua van > 5 mm Hg
Điện tâm đồ giãn nhĩ phải không tương xứng với phì đại thất phải, các sóng P cao, nhọn ở các chuyển đạo sau dưới và V1.
X-quang ngực có thể thấy hình ảnh giãn tĩnh mạch chủ trên và vồng bờ tim phải, gợi ý tình trạng giãn nhĩ phải,
Men gan tăng cao do có ứ huyết gan thụ động.
Thông tim hiếm khi được chỉ định để đánh giá hẹp van ba lá. Khi thông tim được chỉ định (ví dụ, để đánh giá mạch vành), có thể thấy tình trạng tăng áp lực nhĩ phải giảm chậm ở đầu thời tâm trương và chênh áp tâm trương qua van ba lá.
Điều trị hẹp van ba lá
Thuốc lợi tiểu và thuốc đối kháng aldosterone
Phẫu thuật sửa hoặc thay van hiếm khi được chỉ định.
Hiện có rất ít bằng chứng hướng dẫn điều trị hẹp van ba lá. Bệnh nhân có các triệu chứng không được thay van hoặc phục hồi van cần phải áp dụng chế độ ăn ít muối, dùng thuốc lợi tiểu và thuốc đối kháng aldosterone.
Bệnh nhân hẹp van ba lá nặng cần can thiệp nếu có triệu chứng hoặc nếu tiến hành phẫu thuật tim vì những lý do khác.
Phẫu thuật cắt mép van ba lá bằng bóng qua da có thể được xem xét đối với TS nặng ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật phục hồi nhưng chỉ khi không có hở van ba lá đi kèm.
Những điểm chính
Hẹp van ba lá hầu như luôn do sốt thấp; thường đi kèm với hở van ba lá và hẹp van hai lá.
Nghe tim thấy tiếng tách mở đầu êm dịu và tiếng rung giữa thời tâm trương nặng về thời tiền tâm thu; tiếng rung tâm trương to hơn và kéo dài khi làm các nghiệm pháp gây gia tăng máu về tĩnh mạch (ví dụ, tập luyện, hít sâu, nâng chân), nhẹ hơn và ngắn hơn khi làm giảm máu trở về tĩnh mạch (đứng, nghiệm pháp Valsalva).
Điều trị bao gồm thuốc lợi tiểu và thuốc đối kháng aldosterone; rất hiếm khi cần đến phẫu thuật phục hồi hoặc thay van.