Viêm tuyến giáp Hashimoto

(Viêm tuyến giáp tự miễn; Viêm tuyến giáp Lympho mạn tính)

TheoGlenn D. Braunstein, MD, Cedars-Sinai Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2024

Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng viêm mạn tính tự miễn của tuyến giáp với thâm nhiễm tế bào lympho. Các dấu hiệu phát hiện bệnh bao gồm tuyến giáp to, không đau và các triệu chứng của suy giáp. Chẩn đoán bao gồm việc chứng minh nồng độ kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp cao. Thay thế levothyroxine suốt đời thường được yêu cầu cho những bệnh nhân bị suy giáp.

(Xem thêm Tổng quan về chức năng tuyến giáp.)

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto được cho là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp nguyên phát ở Bắc Mỹ. Bệnh phổ biến hơn nhiều lần ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc tăng theo tuổi và ở các bệnh nhân có rối loạn nhiễm sắc thể, bao gồm Hội chứng Down, Hội chứng Turner, và Hội chứng klinefelter. Hay gặp tiền sử gia đình có bệnh lí tuyến giáp.

Viêm tuyến giáp Hashimoto, giống như bệnh Graves, đôi khi liên quan đến các bệnh lý tự miễn khác, bao gồm bệnh Addison (suy thượng thận), đái tháo đường loại 1, suy tuyến cận giáp, bạch biến, tóc bạc sớm, thiếu máu ác tính, các bệnh thấp khớp toàn thân (ví dụ: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjögren), bệnh celiachội chứng suy giảm đa tuyến loại 2 (hội chứng Schmidt – kết hợp của bệnh Addison với bệnh suy giáp thứ phát sau viêm tuyến giáp Hashimoto và/hoặc đái tháo đường loại 1). Tăng tỷ lệ ung thư tuyến giáp, hiếm gặp u lympho tuyến giáp. Về mặt bệnh lý, có sự xâm nhập rộng rãi của tế bào lympho với các nang lympho và sẹo.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Bệnh nhân bị phì đại tuyến giáp hoặc có cảm giác đầy tức ở cổ họng. Khám thấy một bướu giáp to không mềm mại, lan tỏa hoặc có nốt, cứng, và chắc hơn tuyến giáp bình thường. Nhiều bệnh nhân có các triệu chứng của suy giáp (ví dụ: mệt mỏi, không dung nạp lạnh, tăng cân), nhưng một số có biểu hiện cường giáp (ví dụ, không dung nạp nhiệt, giảm cân) có thể do giải phóng hormone tuyến giáp trong giai đoạn viêm của bệnh viêm tuyến giáp hoặc do cùng tồn tại bệnh Graves và viêm tuyến giáp Hashimoto trong tuyến.

Chẩn đoán viêm tuyến giáp Hashimoto

  • Thyroxine (T4)

  • Hormon kích thích tuyến giáp (TSH)

  • Các kháng thể tuyến giáp

  • Siêu âm tuyến giáp

Xét nghiệm bao gồm đo nồng độ T4, TSH và các tự kháng thể tuyến giáp. Ở giai đoạn đầu của bệnh, nồng độ T4 và TSH bình thường và có nồng độ kháng thể peroxidase tuyến giáp cao và ít phổ biến hơn là kháng thể kháng thyroglobulin (xem bảng Kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp trong các tình huống lâm sàng khác nhau).

Siêu âm tuyến giáp nên được thực hiện nếu có sờ thấy nốt. Siêu âm thường cho thấy mô tuyến giáp có cấu trúc siêu âm không đồng nhất, giảm âm với các vách ngăn hình thành các vi hạt giảm âm và có thể có giảm vận mạch của tuyến.

Xét nghiệm để xem có các rối loạn tự miễn khác hay không chỉ được thực hiện khi có biểu hiện lâm sàng hoặc khi có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc bệnh Graves liên quan đến hội chứng suy giảm đa tuyến tự miễn.

Điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto

  • Thay thế hormone tuyến giáp

Đôi khi, suy giáp là thoáng qua, nhưng hầu hết các bệnh nhân đều cần phải thay thế hormone tuyến giáp suốt đời, điển hình levothyroxine (levothyroxine) 75 đến 150 mcg qua đường uống 1 lần/ngày.

Những điểm chính

  • Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng viêm tự miễn dịch của tuyến giáp.

  • Bệnh nhân đôi khi có các rối loạn tự miễn dịch khác.

  • Nồng độ thyroxine (T4) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH) ban đầu là bình thường, nhưng sau đó, T4 giảm và TSH tăng lên và bệnh nhân có thể bị suy giáp về mặt lâm sàng.

  • Định lượng kháng thể peroxidase tuyến giáp cao, và ít phổ biến hơn đối với các kháng thể chống thyroglobulin.

  • Thường cần thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.