Chấn thương bàng quang

TheoNoel A. Armenakas, MD, Weill Cornell Medical School
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2023

Chấn thương và vết thương vào vùng bụng dưới, khung chậu hoặc tầng sinh môn là những nguyên nhân gây ra tổn thương bàng quang. Trong đó, chấn thương là cơ chế thường gặp hơn, thường do sự giảm tốc đột ngột, như trong một tai nạn xe máy tốc độ cao, ngã, hoặc từ một lực tác động mạnh bên ngoài vào vùng bụng dưới. Tổn thương đi kèm thường gặp nhất là gãy xương chậu, xảy ra ở > 95% số trường hợp vỡ bàng quang do chấn thương do vật tầy. Các tổn thương đồng thời khác bao gồm gãy xương dài, tổn thương thần kinh trung ương và chấn thương ngực. Vết thương xuyên thấu, thường là vết thương do đạn bắn, chiếm < 10% số chấn thương bàng quang.

Bàng quang là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong phẫu thuật vùng chậu. Những tổn thương này có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật qua niệu đạo, các thủ thuật phụ khoa (thường gặp nhất là phẫu thuật cắt tử cung, mổ lấy thai, cắt bỏ khối u vùng chậu), hoặc cắt đại tràng. Các yếu tố thuận lợi bao gồm sẹo do phẫu thuật trước đó, xạ trị, viêm, và khối u xâm lấn nhiều.

Tổn thương bàng quang được xác định là đụng dập hay vỡ bàng quang dựa các kết quả cận lâm sàng. Các vết vỡ có thể là ngoài phúc mạc, trong phúc mạc, hoặc cả hai; hầu hết là ngoài phúc mạc.

Các biến chứng của chấn thương bàng quang bao gồm nhiễm trùng (bao gồm nhiễm trùng huyết), tiểu tiện ra máu dai dẳng, cổ trướng nước tiểu (nước tiểu tự do trong khoang phúc mạc do vỡ trong phúc mạc), tổn thương thận cấp tính, hình thành lỗ rò, tiểu tiện không tự chủ và bàng quang mất ổn định.

Tỷ lệ tử vong do vỡ bàng quang do chấn thương lên đến 20%; nguyên nhân do các tổn thương cơ quan phối hợp hơn là toone thương bàng quang.

Các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương bàng quang

Các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương bàng quang có thể bao gồm đau trên xương mu, mất khả năng đi tiểu, tiểu máu, chướng bụng, sốc giảm thể tích (do xuất huyết), tăng nitơ máu và trong trường hợp vỡ trong phúc mạc, các dấu hiệu phúc mạc. Vỡ bàng quang do chấn thương thường biểu hiện với gãy xương chậu đái máu đại thể.

Tổn thương bàng quang trong quá trình phẫu thuật thường được nhận biết luôn trong mổ. Các phát hiện có thể bao gồm rò nước tiểu, chảy máu tăng lên, thấy sonde bàng quang qua vết thương, và khi nội soi ổ bụng, biểu hiện bằng túi sonde nước tiểu đầy khí.

Chẩn đoán chấn thương bàng quang

  • Chụp bàng quang có tiêm thuốc cản quang, thường phối hợp với CT

Triệu chứng và dấu hiệu gợi ý các chấn thương bàng quang thường rất kín đáo hoặc không đặc hiệu; do đó, chẩn đoán đòi hỏi sự nhạy cảm cao. Chẩn đoán nghi ngờ dựa trên bệnh sử, khám thực thể, kết quả chụp X quang (ví dụ: gãy xương chậu) và có đi tiểu ra máu (chủ yếu là đại thể). Xác nhận bằng chụp bàng quang ngược dòng sử dụng ít nhất 300 mL thuốc cản quang pha loãng để đổ trực tiếp vào bàng quang. X-quang thẳng hoặc CT có thể được sử dụng, nhưng CT lợi thế hơn trong việc đánh giá các tổn thương ổ bụng phối hợp và gãy xương chậu. Chụp lưu thông hệ tiết niệu nên được sử dụng chỉ khi chỉ định chụp X-quang thẳng Nếu nghi ngờ có đứt đoạn niệu đạo ở nam giới, cần phải chụp niệu đạo trước khi đặt ống thông niệu đạo.

Khám trực tràng nên được thực hiện ở tất cả các bệnh nhân. Nếu có máu, gợi ý cao đến tổn thương trực tràng phối hợp. Thêm vào đó, bệnh nhân nữ nên được khám sản phụ khoa để đánh giá sự liên quan đến tổn thương âm đạo.

Điều trị chấn thương bàng quang

  • Đặt sonde tiểu

  • Đôi khi cần phải phẫu thuật

Đụng dập thành bàng quang chỉ cần dẫn lưu nước tiểu cho đến khi hết đái máu đại thể. Hầu hết các trường hợp vỡ ngoài phúc mạc đều có thể được xử trí bằng dẫn lưu ống thông đơn thuần nếu nước tiểu chảy ra tự do và cổ bàng quang, trực tràng và âm đạo không bị tổn thương. Với cổ bàng quang bị tổn thương, cần phải phẫu thuật để bộc lộ và sửa chữa để kiểm soát tổn thương. Tương tự, quản lý phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp đái máu đại thể dai dẳng, cục máu đông, hoặc đồng thời chấn thương trực tràng hoặc âm đạo. Tất cả các vết thương xuyên thấu bàng quang và vỡ trong phúc mạc vì chấn thương do vật tầy đều cần phải phẫu thuật thăm dò. Hầu hết các tổn thương bàng quang xảy ra trong quá trình phẫu thuật được xác định và xứ lý ngay trong mổ. Phẫu thuật điều trị chấn thương bàng quang có thể được thực hiện bằng kỹ thuật phẫu thuật mở hoặc nội soi.

Những điểm chính

  • Hầu hết các tổn thương bàng quang gây ra do chấn thương và có gãy xương chậu và đái máu đại thể kèm theo.

  • Cần chẩn đoán loại trừ tổn thương bàng quang khi bệnh nhân có cơ chế chấn thương tương ứng, đau, sưng nề trên xương mu, đái khó, đái máu, cầu bàng quang, và/hoặc sốc hay các triệu chứng phúc mạc không rõ nguyên nhân.

  • Chẩn đoán xác định bằng cách sử dụng chụp X-quang bàng quang bơm thuốc ngược dòng.

  • Đụng dập hoặc vỡ bàng quang ngoài khoang phúc mạc có thể điều trị chỉ bằng dẫn lưu nước tiểu.

  • Vỡ ngoài phúc mạc phức tạp và vỡ trong phúc mạc cần phải được thăm dò bằng phẫu thuật.

  • Hầu hết các tổn thương bàng quang trong quá trình phẫu thuật được xác định và xử lý trong mổ.