Gãy xương chậu

TheoDanielle Campagne, MD, University of California, San Francisco
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 12 2022

Gãy xương chậu co thể bao gồm khớp mu, xương chậu, ổ cối, khớp thắt lưng chậu hoặc xương cùng. Tổn thương thay đổi từ gãy vững ít di lệch do nguyên nhân chấn thương năng lượng thấp cho đến di lệch nhiều, mất vững gây tụ máu lớn. Các tổn thương sinh dục tiết niệu, đường tiêu hóa, thần kinh cũng có thể xảy ra. Chẩn đoán bằng X-quang thường quy, thường cần thêm cắt lớp vi tính. Gãy xương nhỏ, gãy vững chỉ cần điều trị bảo tồn. Gãy xương mất vững hoặc gây tụ máu lớn thường cần phải mổ cố định ngoài hoặc mổ mở nắn chỉnh kết hợp xương bên trong (ORIF).

(Xem thêm Tổng quan về gãy xương.)

Sinh lý bệnh của gãy xương chậu

Các xương chậu, dây chằng thắt lưng chậu trước và sau, các khớp sợi giữa các xương tạo thành một vòng tròn. Gãy xương chậu có thể có hoặc không gãy khung chậu; gẫy khung chậu do gãy xương ở 2 vị trí và dẫn đến mất ổn định.

Các biến chứng

Nhiều cấu trúc giải phẫu quan trọng đi ngang qua khung chậu và thường bị tổn thương. Các tổn thương mạch máu (ví dụ tổn thương tĩnh mạch chậu) xảy ra có thể gây chảy máu nghiêm trọng, đặc biệt khi gãy thành sau xương chậu. Có thể chảy máu ra ngoài (khi gãy hở) hoặc tụ máu kín; cả hai đều có thể dẫn đến sốc mất máu.

Các tổn thương sinh dục tiết niệu (ví dụ rách niệu quản, bàng quang) thường gặp, đặc biệt khi gãy ở phần trước. Tổn thương đường tiêu hóa có thể xảy ra, đặc biệt khi gãy ở phần sau. Các rễ và đám rồi thần kinh gần các lỗ ở xương cùng có thể bị tổn thương trong các loại gãy phía sau.

Căn nguyên của gãy xương chậu

Hầu hết các chấn thương vùng chậu do chấn thương năng lượng cao, thường gây ra do tai nạn xe máy (bao gồm va chạm xe máy- người đi bộ) hoặc ngã cao. Một số (ví dụ, toác khớp mu, gãy ngành mu) là hậu quả của chấn thương rất nhẹ hoặc nhẹ (ví dụ như ngã ở nhà), đặc biệt ở bệnh nhân loãng xương.

Một số loại gãy xương chậu, điển hình như ở trẻ vị thành niên còn đĩa sụn tăng trưởng, là những loại gãy bong giật ở gai chậu trước trên, trước dưới hoặc ụ ngồi.

Có nhiều hệ thống phân loại phức tạp dựa trên cơ chế, vị trí gãy, mức độ mất vững

Các triệu chứng và dấu hiệu của gãy xương chậu

Hầu hết các bệnh nhân bị gãy xương chậu có đau ở vùng khớp háng và lưng. Gãy nén khớp mu hay gãy nén tiến triển của hai gai chậu trước trên thường gây đau đớn, đặc biệt trong các loại gãy nghiêm trọng, có thể gợi ý mất vững.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của loại gãy, bệnh nhân có thể có hoặc mất khả năng đi bộ.

Các dấu hiệu tổn thương tiết niệu sinh dục và/hoặc sản phụ khoa (thường là âm đạo) bao gồm

  • Chảy máu miệng sáo

  • Tụ máu đáy chậu hoặc bẹn bìu

  • Đái máu

  • Vô niệu

  • Một tuyến tiền liệt lên cao

  • Chảy máu âm đạo

Tổn thương ruột hoặc trực tràng có thể gây ra

  • Đau bụng hoặc vùng chậu

  • Chảy máu trực tràng

  • Tiến triển viêm phúc mạc sau đó

Tổn thương thần kinh có thể gây ra

  • Yếu chi hoặc mất cảm giác và phản xạ chi dưới, trực tràng, hoặc đáy chậu

  • Đại tiểu tiện không tự chủ

  • Bí tiểu

Tỉ lệ tử vong cao đối với những loại gãy mất vững, gãy phần sau hoặc gãy gây sốc mất máu.

Chẩn đoán gãy xương chậu

  • X-quang thường quy

  • Chụp CT thường không thuốc cản quang

Gãy xương chậu nên được nghĩ đến nếu bệnh nhân bị đau ở vùng chậu hay háng hoặc bị chấn thương nghiêm trọng. X-quang khung chậu thẳng có thể thấy hầu hết các loại gãy.

Gãy di lệch cho biết sự mất vững vòng chậu, gợi ý có một điểm gãy khác hoặc có tổn thương dây chằng hay khớp sợi. Có thể cần phải chụp các tư thế chuyên biệt (ví dụ, tư thế Judet để đánh giá ổ cối).

CT có độ nhạy cao hơn phim X-quang và thường được thực hiện để xác định tất cả các mảnh vỡ và các thương tích phối hợp khi gãy xương do chấn thương năng lượng cao. CT thường không cần thiết nếu bệnh nhân chỉ có gãy ngành mu đơn độc do chấn thương năng lượng thấp hoặc các loại gãy bong giật nhỏ.

Chẩn đoán và điều trị các tổn thương liên quan được cần ưu tiên hơn so với việc chỉ điều trị gãy xương. Tổn thương bàng quang và niệu đạo cần được nghĩ đến và đánh giá. Kiểm tra bao gồm

  • Xét nghiệm tìm máu trong nước tiểu

  • Khám thần kinh

  • Kiểm tra chấn thương âm đạo ở phụ nữ

  • Chụp bàng quang niệu đạo ngược dòng để chẩn đoán tổn thương niệu đạo nếu cần

Theo truyền thống, thăm trực tràng để kiểm tra dấu hiệu tiền liệt tuyến lên cao, dấu hiệu này gợi ý chấn thương niệu đạo sau. Tuy nhiên, sự hữu ích của thăm khám này không thực sự rõ ràng. Nếu nghi ngờ chấn thương niệu đạo (ví dụ, vì có chảy máu lỗ sáo), nên chụp niệu đạo ngược dòng.

Điều trị gãy xương chậu

  • Đối với gãy xương còn vững, điều trị bảo tồn

  • Đối với gãy xương không ổn định, cố định ngoài hoặc mổ mở kèm theo nắn chỉnh kết hợp xương (ORIF)

  • Đối với các trường hợp chảy máu nghiêm trọng, cố định ngoài hoặc nút mạch hoặc nhét gạc

Đối với gãy xương chậu, nên hội chẩn chuyên khoa chỉnh hình hoặc chấn thương. Hầu hết tất cả các bệnh nhân bị gãy xương chậu (trừ gãy xương ổn định, ví dụ gãy xương mu di lệch không đáng kể) nên được nhập viện để theo dõi để xem có tiếp tục chảy máu hay không.

Gãy xương chậu còn vững thường chỉ cần điều trị triệu chứng, đặc biệt khi bệnh nhân còn có thể tự đi lại được.

Vỡ ổ cối thường do chấn thương năng lượng cao (ví dụ: ngã cao, tai nạn xe máy). Vỡ ổ cối cần được điều trị phẫu thuật nếu gãy di lệch hoặc còn mất vững sau nắn chỉnh kín. Vỡ tường sau ổ cối có thể điều trị không mổ. Nên hội chẩn chuyên khoa chấn thương chỉnh hình cho các loại gãy này.

Gãy xương chậu mất vững nên được buộc xung quanh hoặc làm vững bằng nẹp ép khung chậu càng sớm càng tốt tại khoa cấp cứu; cố định như vậy có thể giúp giảm chảy máu. Cần hội chẩn chuyên khoa chấn thương chỉnh hình nếu gãy xương chậu mất vững để xác định có cần mổ cố định ngoài hoặc mổ mở kết hợp xương bên trong hay không. Cố định ngoài bằng vít có thể tiến hành tại khoa cấp cứu bởi chuyên gia chấn thương chỉnh hình.

Chỉ định cố định ngoài bằng vít bao gồm

  • Tình trạng chảy máu tiếp diễn hoặc rối loạn huyết động, đặc biệt ở những bệnh nhân tổn thương xương chậu nghiêm trọng

  • Đa chấn thương

  • Cần giữ vững tạm thời trước khi chuyển sang hướng điều trị cuối cùng

Cố định ngoài bằng vít có thể giúp giảm thương tổn thứ phát và thời gian nằm viện.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Bọc xung quanh xương chậu hoặc cố định ngoài càng sớm càng tốt để giúp cố định gãy xương chậu mất vững.

Nếu chảy máu tiếp diễn, cần nút mạch hoặc mổ nhét gạc hoặc mổ kết hợp xương.

Gãy xương mất vững gây chảy máu nghiêm trọng cần dùng nẹp ôm khung chậu tạm thời tại khoa cấp cứu; điều trị cuối cùng cần mổ mở nắn chỉnh kết hợp xương.

Các thương tổn phối hợp cần điều trị.

Những điểm chính

  • Gãy xương vùng chậu nghiêm trọng do chấn thương năng lượng cao thường có đi kèm thương tổn sinh dục tiết niệu và mạch máu.

  • Một số loại gãy (ví dụ, toác khớp mu hay gãy ngành mu), đặc biệt ở bệnh nhân loãng xương, là hậu quả của các chấn thương rất nhẹ (ví dụ như ngã ở nhà).

  • Chụp CT cho những chấn thương năng lượng cao.

  • Cố định ổ gãy, kiểm soát chảy máu và điều trị các thương tổn phối hợp.