Cách loại bỏ dị vật khỏi tai ngoài

TheoElizabeth A. Dinces, MD, MS, Einstein/Montefiore Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 6 2023

Có vài kỹ thuật để loại bỏ dị vật khỏi tai ngoài. Việc lựa chọn kỹ thuật phụ thuộc vào hình dạng, thành phần và vị trí của dị vật trong ống tai.

  • Bơm nước: Đối với những đồ vật nhỏ, không chặt (có đường kính dưới 2 mm), chẳng hạn như những côn trùng nhỏ, cát, hoặc bụi

  • Ống thông có đầu hút: Đối với những đồ vật mềm (chẳng hạn như đất sét), vỡ khi tiếp xúc, hoặc những đồ vật tròn, nhẵn và khó cầm nắm (ví dụ, những hạt nhỏ)

  • Dụng cụ thủ công (ví dụ, thìa nạo ráy tai, móc góc vuông): Để loại bỏ nhiều loại đồ vật, gồm côn trùng lớn, đầu bông, pin nút, và những hạt lớn

Nếu không thể dễ dàng lấy pin nút ra khỏi tai, cần nhanh chóng tham vấn với bác sĩ chuyên khoa tai họng bởi có thể khó lây pin hoặc nam châm ra và những vật này có thể gây tổn thương đáng kể chỉ trong vài giờ.

(Xem thêm Dị vật trong tai.)

Chỉ định lấy dị vật ở tai

  • Luôn phải lấy dị vật ra khỏi ống tai ngoài.

Việc này có thể được thực hiện tại phòng cấp cứu hoặc phòng khám ngoại trú. Tuy nhiên, nếu sau vài lần thử nhưng không thành công, cần nhanh chóng tham vấn với bác sĩ chuyên khoa tai họng.

Chống chỉ định lấy dị vật ở tai

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Không được sử dụng biện pháp bơm nước nếu biết hoặc nghi ngờ màng nhĩ bị thủng. Các triệu chứng cho thấy có thể màng nhĩ bị thủng bao gồm chóng mặt, ù tai, giảm thính lực đáng kể, hoặc chảy máu phía sau đối tượng.

  • Không được sử dụng biện pháp bơm nước nếu đối tượng mềm hoặc hạt hay mẩu thực vật có thể phồng lên khi gặp nước.

  • Không được sử dụng biện pháp bơm nước nếu đối tượng là pin hoặc nam châm, bởi nước có thể đẩy nhanh tổn thương.

Chống chỉ định liên quan (cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tai họng)

  • Nhiễm trùng ống tai ngoài hoặc sưng quanh đối tượng

  • Đối tượng bị ảnh hưởng

Các biến chứng của lấy dị vật ở tai

  • Thủng màng nhĩ

  • Nhiễm trùng do chất bơm hoặc chất hữu cơ còn sót lại

  • Chấn thương (ví dụ: vết rách, chảy máu, phù) ống tai ngoài

  • Hiếm gặp, tổn thương tai giữa và tai trong

Thiết bị trong lấy dị vật ở tai

  • Ống soi tai cầm tay

  • Mỏ vịt soi tai: Dùng loại mỏ vịt lớn nhất vừa với ống tai ngoài

  • Trong trường hợp bơm nước: ống tiêm 30 đến 60 mL bơm nước vô trùng có nhiệt độ bằng nhiệt độ cơ thể và được gắn vào ống thông hoặc đường ống kích thước 16 đến 19 gauge (chẳng hạn như ống thông kiểu cánh bướm đã cắt bỏ kim tiêm)

  • Ống hút tai (ống hút Baron #5 hoặc #7 có lỗ kiểm soát dùng ngón cái)

  • Kẹp

  • Móc góc vuông hoặc thìa nạo ráy tai

  • Trong trường hợp loại bỏ côn trùng: Dung dịch lidocaine hoặc dầu khoáng ấm

  • Đèn đeo đầu và kính lúp phóng đại nếu có

Các cân nhắc bổ sung trong lấy dị vật ở tai

  • Ghi vào hồ sơ mọi tổn thương đã tồn tại sẵn đối với ống tai ngoài hoặc mọi trường hợp thủng màng nhĩ có thể có trước khi tiến hành thủ thuật để tránh trường hợp bị quy cho là do thủ thuật gây ra.

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tai họng nếu không lấy được đồ vật ra sau vài lần thử; có tổn thương ống tai ngoài hoặc màng nhĩ, thủng màng nhĩ, nhiễm trùng ống tai ngoài; dị vật trơn, tròn, và không bị chèn cứng; đồ vật bị nêm vào phần giữa của ống tai ngoài hoặc chèn vào màng nhĩ; hoặc thủy tinh hay dị vật sắc nhọn khác, pin dẹt, nam châm hay các dị vật khác.

  • Cân nhắc gây tê và giảm đau, đặc biệt là ở trẻ em hiếm khi hoàn toàn hợp tác.

Giải phẫu liên quan để lấy dị vật ở tai

  • Giải phẫu ống tai ngoài ở mỗi người là khác nhau và ống tai có thể uốn khúc, khiến cho việc lấy dị vật ở sâu trong ống tai có thể gây ra chấn thương.

  • Ống tai hẹp ở phần giữa, nơi dị vật có thể trở lên bị nêm chặt.

Xác định tư thế trong lấy dị vật ở tai

  • Tư thế ngồi hoặc nửa ngồi nửa tựa được sử dụng trong trường hợp bơm nước để nước có thể chảy ra khỏi tai. Đây thường là tư thế được ưu tiên áp dụng cho việc hút ráy tai và cho các kỹ thuật lấy ráy tai thủ công để trọng lực không ảnh hưởng đến nỗ lực lấy đối tượng ra khỏi tai.

  • Tư thế nằm ngửa đôi khi là cần thiết ở trẻ em và những bệnh nhân được gây tê để hỗ trợ việc làm ổn định đầu bệnh nhân và phòng trường hợp thu đầu lại.

  • Cân nhắc làm bất động đối với một số trẻ em (ví dụ trẻ nhỏ, những trẻ có nguy cơ bị mất cảm giác hoặc có pin trong tai) sử dụng tấm kẹp hoặc ngồi trong lòng người lớn sao cho cánh tay, chân và đầu được giữ chặt; chấn thương về mặt cảm xúc do bị giữ chặt để lại ít hậu quả hơn so với việc phải thăm khám kéo dài, cộng với nguy cơ gây tê toàn thân.

Mô tả từng bước lấy dị vật ở tai

Những cân nhắc chung

  • Thực hiện đánh giá thính lực sàng lọc trước khi làm thủ thuật, tùy thuộc vào khả năng phối hợp của bệnh nhân và thiết bị có sẵn. 

  • Đối với những bệnh nhân cảm thấy khó chịu đáng kể (thường là do côn trùng còn sống hoặc do sưng vì các lần cố gắng lấy dị vật trước đó), bôi thuốc gây tê tại chỗ vào ống tai, chẳng hạn như 4% lidocaine hoặc gây tê tại chỗ dưới dạng phong bế tai theo vùng. Lidocaine tại chỗ có thêm lợi ích là tiêu diệt côn trùng, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc lấy bỏ.

  • Hướng dẫn bệnh nhân không di chuyển đầu, để giảm thiểu chấn thương có thể gây ra từ việc di chuyển đột ngột trong khi dụng cụ đang ở trong ống tai.

  • Kéo (hoặc nhờ trợ lý kéo) tai ngoài lên và ra phía sau (đối với người lớn) hoặc kéo xuống và ra phía sau (đối với trẻ em), để làm thẳng ống tai.

  • Đối với từng kỹ thuật sau đây, hãy quan sát ống tai ngoài và dị vật trước và sau khi lấy ra.

Bơm nước

Sử dụng kỹ thuật bơm nước đối với những đồ vật nhỏ, không chặt, chẳng hạn như cát hoặc bụi nhưng không áp dụng cho các đồ vật có thể phồng lên khi gặp nước (ví dụ, các loại hạt).

Đau khi bơm nước là dấu hiệu rách ống tai hoặc thủng màng nhĩ và phải ngừng thủ thuật này ngay lập tức.

  • Bơm vào ống tiêm lượng nước có nhiệt độ bằng nhiệt độ cơ thể và gắn vào ống bơm.

  • Giữ khay quả đậu (khay nôn) dưới tai để hứng nước.

  • Bơm dòng nước vào sàn trên của ống tai ngoài phía sau dị vật với áp lực vừa phải.

  • Bơm đủ nước để xối đồ vật ra khỏi tai; cố gắng bắt đầu với 30 đến 60 mL.

Hệ thống hút

Bắt đầu hút để loại bỏ những côn trùng nhỏ, hoặc những vật mềm, tròn và nhẵn không bị nêm chặt.

  • Dùng đèn đeo đầu và kính lúp phóng đại nếu có để tối ưu hóa khả năng nhìn của bạn.

  • Với van hở nhả được bằng ngón cái, quan sát trực tiếp để luồn đầu hút; tránh để tiếp xúc với da ống tai.

  • Đặt đầu ống thông lên bề mặt của đồ vật.

  • Dùng ngón tay bịt lại van nhả để bắt đầu hút vào ống thông.

  • Từ từ rút ống thông hút để kéo đồ vật ra khỏi tai.

Kỹ thuật sử dụng dụng cụ cầm tay

  • Dùng đèn đeo đầu và kính lúp phóng đại nếu có để tối ưu hóa khả năng nhìn của bạn.

  • Dùng kẹp cho những đồ vật có thể gắp được, chẳng hạn như giấy, côn trùng hoặc bông.

  • Sử dụng móc góc vuông cho những vật cứng hơn.

  • Quan sát trực tiếp rồi luồn dụng cụ vào mép đồ vật.

  • Khi sử dụng móc góc vuông hoặc thìa nạo, hãy trượt đồ vật về phía sau đồ vật và nhẹ nhàng kéo đồ vật ra khỏi ống tai.

  • Các xử trí công trùng tốt nhất là giết chúng trước, bằng cách nhỏ dầu khoáng hoặc lidocaine vào ống tai ngoài.

  • Dùng kẹp nhẹ nhàng gắp thân, cánh hoặc chân côn trùng và nhẹ nhàng kéo cả con côn trùng ra ngoài. Nếu bóp kẹp quá nhiều lực thì có thể khiến có côn trùng bị phân mảnh dẫn đến việc lấy côn trùng ra thêm khó khăn.

  • Quý vị có thể cần sử dụng kỹ thuật hút hoặc bơm nước để loại bỏ các mảnh còn lại sau khi sử dụng phương pháp thủ công.

Chăm sóc sau khi lấy dị vật ở tai

  • Nếu đã đánh giá thính lực trước thủ thuật, hãy khám lại để đảm bảo không bị giảm thính lực.

  • Nếu có bất cứ tổn thương ống tai hoặc màng nhĩ nào, hãy yêu cầu bệnh nhân giữ cho tai khô ráo cho đến khi tai được đánh giá lại (cần có những biện pháp phòng ngừa trong vòng 1 tuần trong trường hợp màng nhĩ bị thủng), xem xét kê thuốc nhỏ dạng hỗn dịch ciprofloxacin/corticosteroid cho 3 đến 5 ngày.

  • Trong trường hợp lấy dị vật không gây chấn thương, không cần phải theo dõi hoặc chăm sóc đặc biệt.

Cảnh báo và các sai sót thường gặp trong lấy dị vật ở tai

  • Nếu việc lấy dị vật gây chảy máu, không tiếp tục lấy nữa mà ngay lập tức tham khảo ý kiến của bác sĩ tai họng. Chảy máu có thể cho thấy rách da ống tai hoặc dị vật tai thực sự là một polyp tai giữa.

  • Với từng kỹ thuật, hãy thận trọng để không đẩy dị vật đi sâu hơn vào ống tai.

  • Cân nhắc đặt ra giới hạn về số lần và/hoặc khoảng thời gian lần lấy dị vật trước khi bắt đầu thủ thuật.

  • Đảm bảo rằng pin dạng nút được lấy ra đúng cách; hãy tham khảo ý kiến theo chỉ dẫn.

Mẹo và thủ thuật lấy dị vật ở tai

  • Ở trẻ em, tai và mũi còn lại cũng cần được kiểm tra để loại bỏ thêm dị vật.

  • Do lần đầu là lần tốt nhất để lấy dị vật mà không gây chấn thương, cho nên hãy đảm bảo có sự hợp tác tối đa bằng cách giải thích thủ thuật cho bệnh nhân và người đi cùng, nhấn mạnh rằng bệnh nhân sẽ cần phải ngồi rất yên trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật, ngay cả khi gặp phải khó chịu.

  • Đối với các đồ vật tròn, cứng, kỹ thuật dùng móc góc vuông hiệu quả nhất.

  • Ống tai có thể sưng lên nhanh chóng sau nhiều lần cố gắng loại bỏ dị vật. Chuẩn bị phương pháp, tuyển dụng trợ lý, và giới hạn số lần lấy để giảm thiểu chấn thương.