Một số hội chứng bẩm sinh hoặc mắc phải khác biệt liên quan đến các mạch máu bất thường ở niêm mạc hoặc dưới niêm mạc trong đường tiêu hóa. Những mạch máu này có thể gây chảy máu tái phát nhưng hiếm gây chảy máu ồ ạt. Chẩn đoán bằng nội soi và đôi khi là chụp mạch. Điều trị là nội soi cầm máu; đôi khi cần chụp mạch nút mạch hoặc phẫu thuật cắt bỏ nếu cần.
(Xem thêm Tổng quan về chảy máu đường tiêu hoá.)
Tình trạng giãn mạch (dị sản mạch, dị dạng động tĩnh mạch) là những mạch máu bị giãn nở, ngoằn ngoèo, thường phát triển trong manh tràng và đại tràng lên. Tình trạng đó xảy ra chủ yếu ở những người > 60 tuổi và là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu đường tiêu hóa (GI) dưới ở nhóm tuổi đó. Các tình trạng này được cho là do thoái hoá và không có liên quan với các bất thường mạch máu khác. Hầu hết các bệnh nhân có 2 hoặc 3 tổn thương, thông thường 0,5 đến 1,0 cm, màu đỏ tươi, phẳng hoặc lồi nhẹ, và được bao phủ bởi lớp biểu mô rất mỏng.
Giãn mạch máu cũng xảy ra liên quan đến một số bệnh toàn thân (ví dụ: suy thận, hẹp động mạch chủ, xơ gan, hội chứng CREST [ngấm vôi da, hiện tượng Raynaud, rối loạn vận động thực quản, xơ cứng đầu ngón tay ngón chân, giãn mao mạch]) và sau khi chiếu xạ vào ruột.
Giãn mạch hang vị (dạ dày dưa hấu hoặc GAVE) bao gồm các tĩnh mạch giãn lớn chạy dọc theo dạ dày, tạo ra một hình dạng sọc gợi hình ảnh của quả dưa hấu. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở phụ nữ cao tuổi và không rõ nguyên nhân.
Giãn mạch máu di truyền (hội chứng Rendu-Osler-Weber) là một rối loạn gen trội trên nhiễm sắc thể thường gây ra nhiều tổn thương mạch máu ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm toàn bộ đường tiêu hóa. Chảy máu đường tiêu hóa hiếm khi xảy ra trước tuổi 40.
Thương tổn Dieulafoy là một động mạch lớn bất thường thâm nhập vào thành ruột, thỉnh thoảng bị ăn mòn qua niêm mạc và gây chảy máu ồ ạt. Tổn thương này xảy ra chủ yếu ở dạ dày đoạn gần.
Dị dạng động tĩnh mạch và u mạch máu, cả hai rối loạn bẩm sinh của mạch máu, có thể xảy ra ở đường tiêu hoá nhưng hiếm gặp.
Triệu chứng và dấu hiệu tổn thương mạch máu ở đường tiêu hóa
Các tổn thương mạch máu không gây đau.
Bệnh nhân thường có heme trong phân hoặc một lượng nhỏ máu đỏ tươi ở trực tràng. Chảy máu thường ngắt quãng, đôi khi có thời gian dài giữa các đợt. Bệnh nhân có tổn thương đường tiêu hoá trên có thể có phân đen.
Chảy máu nhiều là bất thường ngoại trừ trên những bệnh nhân bị chảy máu do tổn thương Dieulafoy.
Chẩn đoán tổn thương mạch máu đường tiêu hóa
Endoscopy
Các tổn thương mạch máu thường được chẩn đoán thông qua nội soi.
Nếu nội soi thường quy không chẩn đoán được, có thể cần phải nội soi ruột non, nội soi ruột non bằng viên nang, nội soi trong khi phẫu thuật, hoặc chụp mạch tạng.
Chụp xạ hình hồng cầu gắn phóng xạ Technetium -99m ít đặc hiệu hơn nhưng có thể đủ để giúp xác định vị trí tổn thương tạo điều kiện thuận lợi cho nội soi hoặc chụp mạch.
Điều trị tổn thương mạch máu đường tiêu hóa
Nội soi cầm máu
Nội soi cầm máu (bằng đầu dò có bộ gia nhiệt, laser, plasma argon, hoặc cầm máu bằng điện cực lưỡng cực) có hiệu quả đối với nhiều tổn thương mạch máu. Giãn mạch máu được điều trị bằng cầm máu qua nội soi nếu các chỗ giãn đó được cho là nguyên nhân gây chảy máu. Kẹp clip qua nội soi có thể được áp dụng cho một số tổn thương. Giãn mạch thường tái phát, có một số bằng chứng cho thấy dùng dạng phối hợp estrogen-progesterone đường uống có thể hạn chế sự tái phát này.
Tình trạng tái phát chảy máu nhẹ có thể được điều trị một cách đơn giản bằng liệu pháp sắt kéo dài.
Chảy máu nhiều hơn, không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội soi có thể cần chụp mạch nút mạch hoặc phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, tái phát chảy máu xảy ra ở khoảng 15 đến 25% số bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật.
Những điểm chính
Nhiều bất thường mạch máu di truyền và mắc phải có thể gây ra chảy máu đường tiêu hóa từ nhẹ đến trung bình (thường thấp hơn).
Điều trị ưu tiên là nội soi cầm máu tổn thương.