Hội chứng đau cân cơ thái dương hàm

TheoGary D. Klasser, DMD, Louisiana State University School of Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 9 2023

Hội chứng đau cân cơ thái dương hàm (trước đây gọi là hội chứng rối loạn chức năng và đau cân cơ [MPDS hoặc MFPDS]) có thể xảy ra ở những bệnh nhân có khớp thái dương hàm bình thường. Nguyên nhân là do căng cơ, mệt mỏi, hoặc (hiếm khi) co thắt ở các cơ nhai. Các triệu chứng bao gồm đau, nhạy cảm trong và xung quanh bộ máy nhai hoặc lan đến các vị trí khác vùng đầu và cổ, và thường di động hàm bất thường. Chẩn đoán dựa trên tiền sử và thăm khám. Điều trị thận trọng, bao gồm thuốc giảm đau, thư giãn cơ, điều chỉnh hành vi loạn năng (ví dụ: nghiến răng), và sử dụng máng thường có hiệu quả.

(Xem thêm Tổng quan về rối loạn khớp thái dương hàm.)

Hội chứng này là rối loạn phổ biến nhất ảnh hưởng đến vùng thái dương hàm. Nó phổ biến hơn ở phụ nữ và phân bố ở độ tuổi ngay sau 20 và thời kỳ mãn kinh.

Ở cơ bị ảnh hưởng, cả đau và điểm kích hoạt (gây ra cơn đau quy chiếu) có thể là kết quả của hành vi cận chức năng như là thói nghiến răng lúc ngủ (siết chặt răng hoặc nghiến rít ken két), được coi là 2 thực thể riêng biệt: nghiến răng khi ngủ hoặc khi thức, có nguyên nhân khác nhau.

Hội chứng đau cân cơ thái dương hàm không chỉ giới hạn ở các cơ nhai. Nó có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, phổ biến nhất là liên quan đến các cơ ở cổ, vai và lưng.

Triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng đau cân cơ thái dương hàm

Các triệu chứng bao gồm đau và nhạy cảm các cơ nhai và thường đau hàm, hạn chế cử động hàm. Cả nghiến răng ban đêm và rối loạn hô hấp khi ngủ (ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và hội chứng cản trở đường hô hấp trên) đều có thể dẫn đến nhức đầu, nghiêm trọng hơn khi thức dậy và giảm dần trong ngày. Cơn đau như vậy phải được phân biệt với cơn đau do viêm động mạch tế bào khổng lồ. Các triệu chứng ban ngày bao gồm đau mỏi cơ, đau hàm và đau đầu, có thể trầm trọng hơn nếu hành vi loạn năng tiếp tục suốt cả ngày.

Lệch hàm sang bên khi mở miệng ra nhưng thường không đột ngột hoặc luôn ở cùng một điểm khi mở như trong di lệch nội khớp thái dương hàm. Tạo áp lực nhẹ nhàng lên các răng cửa dưới, người khám có thể kéo căng các cơ liên quan, do đó hỗ trợ bệnh nhân mở miệng thêm 1 - 3 mm so với độ mở tối đa không hỗ trợ.

Chẩn đoán hội chứng đau cân cơ thái dương hàm

  • Đánh giá lâm sàng

  • Đôi khi cần làm đa ký giấc ngủ

Một thử nghiệm đơn giản có thể hỗ trợ chẩn đoán: 2 hoặc 3 cái đè lưỡi được đặt giữa các răng hàm sau cùng ở mỗi bên và bệnh nhân được yêu cầu ngậm miệng nhẹ nhàng (1, 2, 3). Sự tách rời mặt khớp có thể làm mất triệu chứng. X-quang thường không có tác dụng chẩn đoán, ngoại trừ để loại trừ viêm khớp. Nếu nghi ngờ viêm động mạch tế bào khổng lồ thì thực hiện đánh giá tốc độ máu lắng (ESR).

Thực hiện đa ký giấc ngủ nếu nghi ngờ bị rối loạn hô hấp khi ngủ.

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. Schiffman E, Ohrbach R, Truelove E, et al: Diagnostic criteria for temporomandibular disorders (DC/TMD) for clinical and research applications: Recommendations of the International RDC/TMD Consortium Network and Orofacial Pain Special Interest Group. J Oral Facial Pain Headache 28(1):6-27, 2014.  doi: 10.11607/jop.1151

  2. 2. Peck C, Goulet J-P, Lobbezoo F, et al: Expanding the taxonomy of the diagnostic criteria for temporomandibular disorders. J Oral Rehabil 41(1):2-23, 2014. doi: 10.1111/joor.12132

  3. 3. International Classification of Orofacial Pain, 1st edition (ICOP).Cephalalgia 40(2):129-221, 2020. doi: 10.1177/0194599819859885

Điều trị hội chứng đau cân cơ thái dương hàm

  • Thuốc giảm đau nhẹ

  • Dụng cụ miệng

  • Có thể sử dụng tạm thời thuốc giải lo âu hoặc cyclobenzaprine trước khi đi ngủ

  • Tiêm điểm kích hoạt và các phương thức trị liệu vật lý và hành vi khác

Đeo máng được làm bởi nha sĩ để ngăn cản sự tiếp xúc giữa các răng và phòng ngừa các tổn thương gây ra bởi nghiến răng. Các máng nhai thoải mái, chế tạo bởi hơ nóng (tự khít theo dạng của miệng) có sẵn ở những của hàng thể thao hoặc nhà thuốc; tuy nhiên, các loại máng này chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn và sử dụng như công cụ chẩn đoán ngắn hạn. Vì các máng nhai này có thể gây ra sự di chuyển răng không mong muốn hoặc tạo ra sự gia tăng nghịch lý trong hoạt động cơ, nên lý tưởng nhất là máng nhai nên được nha sĩ chế tạo, lắp và điều chỉnh.

Liều thấp của thuốc benzodiazepine trước khi đi ngủ thường có hiệu quả đối với các đợt cấp và làm giảm các triệu chứng tạm thời. Cyclobenzaprine có thể giúp thư giãn cơ bắp. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ liên quan, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ, nên sử dụng thuốc giải lo âu và thuốc giãn cơ một cách thận trọng vì các thuốc này có thể làm trầm trọng thêm những tình trạng nói trên. Chỉ định thuốc giảm đau nhẹ, như NSAID hoặc acetaminophen, riêng lẻ hoặc kết hợp. Vì đây là tình trạng mạn tính nên không nên sử dụng opioids, ngoài trừ dùng tạm thời trong đợt tái phát cấp tính. Trong những trường hợp đau mạn tính như vậy, sử dụng thuốc chống trầm cảm dưới sự giám sát y tế rất hữu ích.

Bệnh nhân phải học cách ngừng hành vi loạn năng (ví dụ: nghiến răng, siết răng) khi thức. Tránh nhai thức ăn cứng và nhai kẹo cao su. Vật lý trị liệu và phản hồi sinh học để tăng thư giãn và tư vấn có thể có ích với một số bệnh nhân.

Vật lý trị liệu bao gồm kích thích điện thần kinh qua da (TENS) và "xịt và căng", khi đó hàm được há rộng sau khi da trên vùng đau đã được làm lạnh bằng đá hoặc phun xịt chất làm lạnh da, ví dụ như ethyl chloride. Độc tố botulinum có thể được sử dụng thành công để giảm co thắt cơ.

Hầu hết bệnh nhân, ngay cả khi không được điều trị, thường đã giảm hoặc chấm dứt các triệu chứng đáng kể trong vòng 6 - 12 tháng.

Những điểm chính

  • Hội chứng đau cân cơ thái dương hàm là nguyên nhân gây đau khớp thái dương hàm phổ biến hơn so với rối loạn khớp thái dương hàm.

  • Căng thẳng, mệt mỏi và (hiếm khi) co thắt các cơ nhai có thể là do hành vi bị loạn năng (ví dụ: chứng nghiến răng).

  • Bệnh nhân đau và nhạy cảm cơ nhai, hạn chế chuyển động hàm và đôi khi đau đầu.

  • Sử dụng máng, thuốc benzodiazepine hoặc thuốc giãn cơ trong khi ngủ có thể hữu ích, cùng với thuốc giảm đau nonopioid; các phương thức hành vi và vật lý trị liệu đôi khi cũng thích hợp.