Hội chứng xung huyết vùng chậu là đau mạn tính trầm trọng hơn khi đứng hoặc khi quan hệ tình dục và liên quan đến giãn tĩnh mạch trong buồng trứng hoặc gần buồng trứng.
Hội chứng xung huyết vùng chậu là một nguyên nhân phổ biến gây ra đau vùng chậu mạn tính. Giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch thường gặp ở tĩnh mạch buồng trứng nhưng thường không có triệu chứng. Không biết lý do một số phụ nữ có các triệu chứng. Hầu hết phụ nữ mắc hội chứng xung huyết vùng chậu đều từ 20 đến 45 tuổi và đã sinh nhiều con. Một giả thuyết cho rằng cương tĩnh mạch buồng trứng dẫn đến kéo căng nội mạc mạch, làm biến dạng lớp nội mô và các tế bào cơ trơn ở mạch máu, dẫn đến giải phóng các chất vận mạch gây viêm và gây đau.
Các triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng xung huyết vùng chậu
Ở những phụ nữ mắc hội chứng xung huyết vùng chậu, đau vùng chậu phát sinh sau ít nhất một lần mang thai. Đau có xu hướng nặng thêm sau mỗi lần mang thai tiếp theo.
Thông thường, đau là đau từng đợt nhẹ, nhưng nó có thể như dao cứa hoặc rầm rộ. Sẽ tệ hơn vào cuối ngày (sau khi phụ nữ đã ngồi hoặc đứng một thời gian dài) và giảm triệu chứng bằng cách nằm xuống. Đau cũng tồi tệ hơn trong hoặc sau khi quan hệ tình dục. Nó thường đi kèm với đau thắt lưng, nhức mỏi ở chân và đôi khi ra máu bất thường ở tử cung (1).
Cơn đau có xu hướng một bên nhưng có thể là hai bên.
Nữ giới cũng có thể bị giãn tĩnh mạch ở mông, đùi, âm đạo hoặc âm hộ.
Khám vùng chậu phát hiện buồng trứng căng đau và cảm giác căng đau cổ tử cung khi di động.
Tài liệu tham khảo về các triệu chứng và dấu hiệu
1. Bendek B, Afuape N, Banks E Desai, et al: Comprehensive review of pelvic congestion syndrome: Causes, symptoms, treatment options. Curr Opin Obstet Gynecol 32 (4):237–242, 2020.
Chẩn đoán hội chứng xung huyết vùng chậu
Tiêu chuẩn lâm sàng
Giãn tĩnh mạch buồng trứng được phát hiện trong chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán hội chứng xung huyết vùng chậu thường có triệu chứng đau kéo dài trong > 6 tháng và buồng trứng căng đau khi khám.
Siêu âm được thực hiện nhưng có thể không cho thấy giãn tĩnh mạch ở phụ nữ khi họ nằm im.
Một số chuyên gia khuyên các xét nghiệm bổ sung (ví dụ, chụp hệ tĩnh mạch, CT, MRI, cộng hưởng từ hệ tĩnh mạch) nếu cần thiết để xác định giãn tĩnh mạch vùng chậu. Các biến chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu có thể được khẳng định bằng cách đặt catheter chọn lọc tĩnh mạch cụ thể và tiêm một chất cản quang (chụp hệ tĩnh mạch).
Nếu đau vùng chậu gây khó chịu và nguyên nhân chưa được xác định, có thể thực hiện nội soi ổ bụng.
Điều trị hội chứng xung huyết vùng chậu
Các thuốc chống viêm không có steroid (NSAID)
Medroxyprogesterone axetat hoặc thuốc chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH)
Điều trị hội chứng xung huyết vùng chậu bao gồm NSAID, đôi khi với liều cao medroxyprogesterone acetate hoặc thuốc chủ vận GnRH. Dihydroergotamine và medroxyprogesterone đường tĩnh mạch đã được sử dụng. Còn thiếu bằng chứng chất lượng cao về các phương án điều trị.
Nếu các loại thuốc này không hiệu quả và cơn đau kéo dài và dữ dội, có thể xem xét phương pháp gây thuyên tắc nội mạch hoặc liệu pháp gây xơ cứng.
Các giãn tĩnh mạch được phát hiện trong quá trình chụp hệ tĩnh mạch có thể gây tắc mạch bằng các vòng nhỏ hoặc một tác nhân gây tắc nghẽn sau khi gây tê tại chỗ và gây mê bằng tĩnh mạch. Thủ thuật này làm giúp giảm đau đến 80%.
Những điểm chính
Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu là kết quả của giãn các mạch vùng chậu.
Các triệu chứng chỉ phát sinh ở một số phụ nữ bị giãn tĩnh mạch vùng chậu.
Đau thường là một bên và nặng hơn khi đứng và khi quan hệ tình dục; các triệu chứng khác bao gồm đau thắt lưng, đau chân, và đôi khi chảy máu kinh nguyệt bất thường.
Chẩn đoán hình ảnh đơn thuần không thể đưa ra chẩn đoán; không điều trị dấu hiệu giãn đơn lẻ tĩnh mạch vùng chậu.
Hãy thử điều trị bằng NSAID kèm theo medroxyprogesterone acetate hoặc thuốc chủ vận GnRH
Nếu cơn đau kéo dài và dữ dội, hãy xem xét việc gây thuyên tắc nội mạch hoặc liệu pháp xơ hóa.