Xạ trị có thể điều trị khỏi nhiều loại ung thư (xem Tổng quan về điều trị Ung thư), đặc biệt khi u còn khu trú và nằm hoàn toàn trong trường chiếu. Xạ trị kết hợp phẫu thuật (cho ung thư đầu cổ, thanh quản hoặc tử cung) hoặc kết hợp hóa trị với phẫu thuật (ung thư mô liên kết, ung thư vú, thực quản, phổi, hoặc trực tràng) giúp tăng khả năng chữa khỏi và cho phép giới hạn phạm vi phẫu thuật hơn. Xạ trị có thể được dùng trước khi phẫu thuật hoặc hóa trị (liệu pháp bổ trợ) hoặc sau khi phẫu thuật hoặc hóa trị (liệu pháp tân bổ trợ).
Xạ trị có thể giúp thuyên giảm triệu chứng ngay cả khi không thể chữa khỏi bệnh.
Đối với khối u não: Kéo dài chức năng của bệnh nhân và ngăn ngừa các biến chứng thần kinh
Đối với ung thư chèn ép tủy sống: Ngăn ngừa sự tiến triển của thiếu hụt thần kinh
Đối với hội chứng tĩnh mạch chủ trên: Giảm tắc nghẽn
Đối với các tổn thương xương đau đớn: Thường làm giảm các triệu chứng
Xạ trị không chỉ diệt các tế bào ung thư mà còn phá hủy các tế bào lành kế cận. Do đó, nguy cơ tổn thương mô lành phải được cân nhắc cùng với lợi ích tiềm năng. Kết quả xạ trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
Loại bức xạ (ví dụ: photon, proton, hạt alpha, loại hạt nhân phóng xạ)
Liều lượng, lịch trình, phân đoạn (tức là cách chia liều lượng theo thời gian)
Sự nhạy cảm của ung thư với việc tiêu diệt bằng bức xạ
Nói chung, các tế bào u bị tiêu diệt chọn lọc do tốc độ chuyển hóa cao và tăng sinh mạnh. Mô bình thường tự sửa chữa hiệu quả hơn.
Các yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong quá trình xạ trị bao gồm:
Liều lượng và lịch trình
Phân đoạn
Khả năng nhắm chính xác vào khối u
Thể tích đích
Cấu hình của chùm tia xạ
Phân bố liều
Kế hoạch xạ trị được thiết kế phù hợp với đặc điểm động học của sự phát triển khối u, để đạt tác dụng tiêu diệt khối u tối đa trong khi hạn chế nhất các tác động trên mô lành.
Các buổi xạ trị phải bắt đầu bằng việc đặt bệnh nhân đúng vị trí chính xác. Khuôn hoặc mặt nạ nhựa thường được thiết kế để đảm bảo vị trí xạ trị chính xác cho các ngày xạ tiếp theo. Sử dụng cảm biến laze. Mỗi đợt xạ trị thông thường phải sử dụng liều lượng lớn mỗi ngày trong khoảng vài tuần để điều trị giảm nhẹ hoặc dùng liều nhỏ hơn, 1 lần/ngày x 5 ngày/tuần trong 6 đến 8 tuần để điều trị chữa bệnh.
Các loại xạ trị
Có nhiều loại xạ trị khác nhau, bao gồm
Xạ trị chiếu ngoài
Xạ trị xạ phẫu
Xạ trị không gian 3 chiều
Xạ trị áp sát
Xạ trị hệ thống nhờ đồng vị phóng xạ
Xạ trị chiếu ngoài
Xạ trị chùm tia bên ngoài có thể được thực hiện bằng
Photon (bức xạ gamma)
Electron
Proton
Bức xạ gamma sử dụng máy gia tốc tuyến tính là loại xạ trị phổ biến nhất. Liều bức xạ tới mô bình thường lân cận có thể được giới hạn bằng công nghệ bảo vệ, làm giảm sự phân tán ở các biên trường.
Phương pháp xạ trị electron có độ xuyên sâu vào mô rất ít và được sử dụng tốt nhất cho ung thư da hoặc ung thư bề mặt cơ thể. Các mức năng lượng khác nhau của electron được sử dụng tùy vào độ xuyên sâu mong muốn và loại ung thư.
Xạ trị proton, có ưu điểm so với xạ trị gamma ở năng lượng đạt được phụ thuộc độ xuyên sâu so với bề mặt, trong khi xạ trị gamma tổn thương tất cả mô trên đường đi của chùm tia. Xạ trị proton cũng cho phép giúp có ranh giới rõ ràng, làm giảm tổn thương trực tiếp tới các mô lân cận, đặc biệt hữu ích với u ở mắt, não và tủy sống.
Xạ trị xạ phẫu
Xạ trị xạ phẫu sử dụng nhiều chùm tia tập trung chính xác với khả năng khu trú chính xác khu vực u, với liều cao duy nhất hoặc nhiều phân liều xạ vào khối u nhỏ ở nội sọ hoặc khối u đích khác. Các chùm tia được phân phối từ nhiều góc độ khác nhau đều gặp nhau tại khối u, do đó sẽ đi qua nhiều vùng mô lành khác nhau trên đường đến khối u; điều này có nghĩa là khối u nhận được liều lượng bức xạ cao hơn nhiều so với bất kỳ mô lành xung quanh. Liệu pháp lập thể thường được sử dụng để điều trị di căn đến hệ thần kinh trung ương. Ưu điểm bao gồm tiêu diệt khối u hoàn toàn khi phẫu thuật thông thường không thể thực hiện được và ít tác dụng phụ. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này lại hạn chế với u kích thước lớn và có nguy cơ ảnh hưởng đến mô xung quanh do liều xạ cao. Ngoài ra, liệu pháp xạ trị xạ phẫu không sử dụng được cho tất cả các vùng trên cơ thể. Bệnh nhân phải bất động và vùng chiếu xạ phải cố định hoàn toàn.
Xạ trị không gian 3 chiều
Trong điều trị bằng tia xạ, công nghệ hình ảnh cho phép định hình chùm tia bức xạ để phù hợp với kích thước của khối u, cho phép xác định mục tiêu chính xác hơn.
Xạ trị áp sát
Xạ trị áp sát bao gồm việc đặt các hạt phóng xạ vào vị trí khối u (như trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư cổ tử cung). Thông thường, hạt phóng xạ được đưa vào vị trí u dưới hướng dẫn CT hoặc siêu âm. Xạ trị áp sát cho phép đạt liều xạ trị cao hơn, trong thời gian dài hơn so với xạ trị chiếu ngoài.
Xạ trị hệ thống nhờ đồng vị phóng xạ
Đồng vị phóng xạ có thể xạ trị trực tiếp tại tổ chức ung thư khi các cơ quan có thụ thể đặc hiệu hấp thụ đồng vị phóng xạ (như iot phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến giáp,) hoặc khi có thể gắn đồng vị phóng xạ với kháng thể đơn dòng (ví dụ I-131 gắn tositumomab trong điều trị u lympho không Hodgkin). Đồng vị cũng có thể làm dịu di căn xương (ví dụ, radiostrontium hoặc radium đối với ung thư tuyến tiền liệt).
Các tác nhân hoặc chiến lược khác, chẳng hạn như hóa trị liệu bổ trợ, có thể làm nhạy cảm mô khối u với bức xạ và tăng hiệu quả.
Tác dụng phụ của xạ trị
Tia xạ có thể gây tổn thương cả mô lành trong trường chiếu xạ.
Các tác dụng phụ cấp tính phụ thuộc vào vị trí xạ trị và có thể gồm
Li bì
Mệt mỏi
Viêm niêm mạc
Các biểu hiện ngoài da (ban đỏ, ngứa, bong da)
Viêm thực quản
Viêm phổi kẽ
Viêm gan
Các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mót rặn)
Các triệu chứng sinh dục tiết niệu (tần suất, tiểu gấp, khó tiểu)
Ức chế tủy xương
Biến chứng muộn
Các biến chứng muộn của xạ trị bao gồm đục thủy tinh thể, viêm giác mạc và tổn thương võng mạc nếu mắt ở trong trường xạ. Các biến chứng muộn khác bao gồm suy tuyến yên, xerostomia, suy giáp, viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim, hẹp thực quản, viêm gan, loét, viêm dạ dày, viêm thận, vô sinh, co cơ và bệnh tim xơ cứng tùy thuộc vào khu vực được điều trị.
Xạ trị vào mô lành có thể làm chậm liền vết thương nếu bệnh nhân cần được phẫu thuật hoặc can thiệp. Ví dụ, bức xạ vào đầu và cổ làm suy yếu sự phục hồi sau các thủ thuật nha khoa (ví dụ, phục hồi, nhổ răng) và do đó chỉ nên được cấp sau khi các công việc nha khoa cần thiết đã được thực hiện.
Xạ trị có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác, đặc biệt là ung thư bạch cầu, sarcoma và ung thư biểu mô tuyến giáp hoặc vú. Nguy cơ này đạt đỉnh sau 5 đến 20 năm xạ trị, phụ thuộc vào tuổi bệnh nhân ở thời điểm điều trị. Ví dụ, xạ trị vùng ngực đối với ung thư hạch Hodgkin ở trẻ em gái vị thành niên dẫn đến nguy cơ ung thư vú cao hơn so với điều trị tương tự ở phụ nữ trưởng thành.