Trong lịch sử, phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư đầu tiên. Trong thực hành hiện nay, phương pháp này được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các phương thức khác để điều trị khối u rắn (xem thêm Tổng quan về liệu pháp điều trị ung thư). Kích thước, loại và vị trí của khối u cũng như tình trạng chức năng của bệnh nhân có thể quyết định khả năng phẫu thuật và kết quả. Sự xuất hiện của di căn thường ngăn cản phẫu thuật như một phần của phương pháp điều trị chính, nhưng việc cắt bỏ di căn đơn độc hoặc các thủ thuật thu nhỏ khối u có thể được chỉ định trong những trường hợp cụ thể.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư bao gồm
Trạng thái chức năng (khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày)
Các bệnh kết hợp
Nguy cơ phẫu thuật đối với bệnh nhân ung thư được đánh giá không dựa trên tuổi tác mà dựa trên tình trạng chức năng và bệnh đi kèm. Bệnh nhân có thể có bệnh lý đi kèm từ trước hoặc các bệnh lý khác do ung thư hoặc quá trình điều trị ung thư gây ra. Họ có thể bị kém dinh dưỡng do chán ăn và ảnh hưởng dị hóa của bệnh ung thư. Những yếu tố này có thể ức chế hoặc làm chậm quá trình hồi phục sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể bị giảm bạch cầu trung tính hoặc giảm tiểu cầu hoặc có thể bị rối loạn đông máu; những tình trạng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và xuất huyết. Do đó, việc đánh giá trước mổ là rất quan trọng. Đối với một số bệnh nhân, nguy cơ của phẫu thuật quá cao và phải sử dụng các phương pháp điều trị thay thế (ví dụ: xạ trị).
Phẫu thuật cắt bỏ u nguyên phát
Nếu khối u nguyên phát chưa di căn, phẫu thuật có khả năng chữa khỏi bệnh. Điều quan trọng là khối u được cắt bỏ phải có ranh giới rõ ràng (một vùng mô bình thường xung quanh khối u chính) để xác nhận đã cắt bỏ hoàn toàn và giảm nguy cơ tái phát. Có thể yêu cầu bác sĩ giải phẫu bệnh kiểm tra nội phẫu các phần mô. Phải khoanh vùng cắt xung quanh rộng rãi hơn nếu diện cắt vẫn cho thấy ung thư.
Phẫu thuật cắt bỏ có thể bao gồm việc cắt bỏ các hạch bạch huyết tại chỗ và khu vực và/hoặc cắt bỏ mô hoặc cơ quan lân cận có liên quan.
Hóa trị hoặc xạ trị bổ trợ trước phẫu thuật có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để giảm kích thước khối u, hạn chế phạm vi phẫu thuật và cải thiện hiệu quả. Hóa trị bổ trợ hoặc xạ trị có thể được thực hiện sau khi phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát.
Phẫu thuật cắt bỏ khối di căn.
Các hạch bạch huyết tại chỗ và tại vùng đôi khi được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật để đánh giá mức độ lan rộng của ung thư và giảm khả năng tái phát ung thư. Di căn giới hạn (về kích thước, số lượng hoặc vị trí), đặc biệt là ở phổi, gan hoặc não, đôi khi có thể được cắt bỏ hoặc điều trị bằng xạ trị.
Phẫu thuật thu nhỏ khối u (Cytoreduction)
Phẫu thuật giảm thiểu tối đa khối u (cắt bỏ bằng phẫu thuật để giảm kích thước ung thư) đôi khi được thực hiện khi không thể cắt bỏ hoàn toàn. Việc phẫu thuật giảm thiểu tối đa khối u có thể làm tăng độ nhạy cảm của khối u còn lại với các phương thức điều trị khác (ví dụ: hóa trị) thông qua các cơ chế chưa rõ ràng.
Phẫu thuật giảm nhẹ
Phẫu thuật cắt bỏ khối u để làm giảm các triệu chứng và duy trì chất lượng cuộc sống đôi khi là hợp lý ngay cả khi khả năng chữa khỏi là không cao hoặc khi không thể phẫu thuật mở rộng. Phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể được chỉ định để giảm đau, giảm nguy cơ chảy máu, lập lại lưu thông cơ quan quan trọng.
Phẫu thuật tạo hình
Phẫu thuật tạo hình giúp bệnh nhân thoải mái hơn hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống sau khi cắt bỏ u (như tạo hình vú sau khi cắt bỏ tuyến vú).