Thằn lằn độc, cá sấu, cự đà có thể gây ra các vết cắn nguy hiểm lâm sàng. Nên dự phòng uốn ván (xem bảng Dự phòng uốn ván trong xử trí vết thương thông thường).
Thằn lằn độc
Những con thằn lằn này bao gồm:
Quái vật Gila (Heloderma suspectum), có mặt ở phía tây nam Hoa Kỳ và Mexico
Thằn lằn đính hạt (H. horridum) của Mexico
Những con thằn lằn này có nọc độc phức tạp, bao gồm serotonin, arginine esterase, hyaluronidase, phospholipase A2, và ít nhất 1 salmonella kallikreins nhưng không có các độc tố thần kinh hoặc các enzyme chống đông máu. Các vết cắn này hiếm khi gây tử vong. Họ kì đà (ví dụ rồng Komodo [Varanus komodoensis], thằn lằn dạng cá sấu [Varanus salvadorii]) cũng độc nhưng ít gây nguy hiểm cho người. Khi thằn lằn độc cắn, chúng kẹp chặt và tiết độc vào cơ thể người.
Triệu chứng và dấu hiệu của vết cắn của thằn lằn có nọc độc bao gồm đau dữ dội, sưng, xuất huyết, viêm bạch huyết, và nổi hạch. Các biểu hiện toàn thân, bao gồm cảm thấy yếu mệt, mồ hôi, khát, đau đầu, và ù tai từ các mức độ từ vừa phải đến nghiêm trọng. Trụy tim mạch ít xảy ra. Diễn biến lâm sàng tương tự diễn biến lâm sàng của nhiễm độc từ mức nhỏ nhất đến trung bình bởi một số lượng lớn các loài rắn đuôi chuông (xem Các triệu chứng và dấu hiệu của rắn cắn).
Điều trị trong lĩnh vực này bao gồm loại bỏ răng của thằn lằn bằng kìm, đưa gần lửa vào cằm của thằn lằn hoặc dìm nó xuống nước. Trong bệnh viện, việc điều trị được hỗ trợ và tương tự như đối với nọc độc của rắn lục; không có thuốc đặc hiệu kháng độc. Vết thương nên được thăm dò bằng một kim nhỏ để làm vỡ hoặc loại bỏ mảnh răng còn lại và sau đó được làm sạch. Nếu vết thương sâu, có thể thực hiện chụp X-quang để loại trừ trường hợp vẫn còn dị vật hay gẫy xương. Kháng sinh dự phòng thường không được khuyến cáo.
Cự đà
Các vết cắn và vết thương móng ngày càng trở nên phổ biến vì các loài cự đà trở thành vật nuôi. Các vết thương thường ở vị trí nông, và điều trị thường là tại chỗ. Nhiễm trùng mô mềm không hay gặp, nhưng khi nhiễm trùng xảy ra, Salmonella là nguyên nhân phổ biến; nhiễm trùng có thể được điều trị bằng fluoroquinolone. Nguyên nhân đứng thứ hai của nhiễm trùng và đang càng ngày càng gia tăng là Serratia marcescens, thường nhạy cảm với trimethoprim/sulfamethoxazole.
Cá sấu (mõm hình U và hình V)
Các vết cắn thường xảy ra trong quá trình thuần dưỡng; ngoài ra, tuy hiếm nhưng cũng có thể xảy ra khi đụng độ với cá sấu tại địa phương. Các vết cắn không phải là độc, nhưng điều đáng chú ý là chúng có tỉ lệ nhiễm trùng tại mô mềm cao, thường do Aeromonas sp (thường là Aeromonas hydrophila), và thường được điều trị như một chấn thương lớn.
Các vết thương nên được rửa và cắt lọc; tạm để hở vết thương và để liền vết thương thì hai. Các lựa chọn kháng sinh tốt nhất bao gồm trimethoprim/sulfamethoxazole, fluoroquinolon, cephalosporin thế hệ thứ 3, aminoglycosid, hoặc có thể kết hợp kháng sinh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể điều trị dự phòng bằng clindamycin và trimethoprim/sulfamethoxazole (lựa chọn đầu tay) hoặc tetracycline.