Phục hồi chức năng nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi sau khi mất chức năng và giảm đau. Mất chức năng có thể là do gãy xương, cắt cụt chi, đột quỵ hoặc một rối loạn thần kinh khác, chấn thương sọ não, các chấn thương do thể thao và/hoặc suy yếu cơ xương do các tình trạng như viêm khớp, chấn thương tủy sống, suy tim hoặc phổi, đau mạn tính hoặc suy kiệt kéo dài. (ví dụ: sau khi bị một số rối loạn và thủ thuật ngoại khoa). Phục hồi chức năng bao gồm
Tư vấn tâm lý
Các dịch vụ xã hội
Kiểm soát bằng thuốc (ví dụ: thuốc uống hoặc thuốc dạng tiêm để kiểm soát tình trạng co cứng ở cơ và dây thần kinh)
Kiểm soát đau (ví dụ: kiểm soát bằng thuốc, các phương thức khác)
Đối với một số bệnh nhân, mục tiêu là phục hồi chức năng về mức độ hoàn toàn, không hạn chế; trong khi đối với những bệnh nhân khác, mục tiêu là giúp họ tự chủ một cách nhiều nhất trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (ADLs). Kết quả phục hồi phụ thuộc vào bản chất của tổn thương và động lực của bệnh nhân. Tiến trình có thể chậm đối với những bệnh nhân cao tuổi, bị chấn thương nặng hoặc có sức khỏe tổng thể kém và đối với những bệnh nhân thiếu sức mạnh cơ bắp. Thiếu động lực, rối loạn tâm trạng cùng tồn tại, thiếu hỗ trợ xã hội và các yếu tố kinh tế xã hội cũng có thể góp phần khiến tiến độ chậm hơn.
Quá trình phục hồi chức năng có thể bắt đầu ngày từ giai đoạn cấp trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Các bệnh viện hoặc các đơn vị phục hồi chức năng thường đưa ra các liệu trình điều trị chuyên sâu và tích cực; các liệu trình này nên được cân nhắc đưa ra với những bệnh nhân có khả năng hồi phục tốt, chịu phối hợp và dung nạp được với những liệu pháp điều trị tích cực (thường là, ≥ 3 giờ/ngày). Nhiều viện dưỡng lão có những chương trình chăm sóc ít tích cực hơn (thường từ 1 đến 3 giờ/ngày, 5 ngày/tuần), nhưng kéo dài hơn, do đó, nó phù hợp hơn cho những bệnh nhân ít khả năng chịu đựng hơn (bệnh nhân yếu hoặc cao tuổi). Các chương trình phục hồi chức năng ít đa dạng với thời lượng ít hơn tỏ ra thích hợp hơn trong môi trường điều trị ngoại trú, hoặc tại nhà, và do đó phù hợp với nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, chương trình phục hồi chức năng ngoại trú có thể tương đối chuyên sâu (vài giờ/ngày, 5 ngày/tuần). Các dịch vụ vật lý trị liệu tại nhà có thể được chỉ định cho những bệnh nhân bị suy yếu nghiêm trọng và ổn định, không thể tham gia các buổi điều trị tại cơ sở vì địa điểm hoặc thiếu phương tiện đi lại. Liệu pháp tại nhà thường được sử dụng sau khi thay khớp gối, ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng cấp cứu sau khi bị ngã hoặc nếu bệnh nhân phải ở nhà do bệnh mạn tính.
Phương pháp tiếp cận đa chiều là phương pháp tốt nhất, vì tình trạng khuyết tật có thể dẫn tới nhiều vấn đề (trầm cảm, thiếu động lực trong phục hồi các khiếm khuyết, các vấn đề tài chính). Vì vậy, bệnh nhân có thể cần can thiệp và giúp đỡ tâm lý từ nhân viên xã hội hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình có thể cần sự giúp đỡ trong việc học cách điều chỉnh lối sống theo tình trạng tàn tật của bệnh nhân, và làm thế nào để giúp đỡ bệnh nhân.
Giới thiệu
Để bắt đầu liệu trình phục hồi chức năng chuẩn, bác sĩ phải viết giấy giới thiệu/đơn thuốc tới bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, bác sĩ trị liệu, hoặc trung tâm phục hồi chức năng. Giấy chuyển/đơn thuốc nên nêu rõ chẩn đoán và mục tiêu điều trị. Chẩn đoán có thể nêu cụ thể tổn thương (ví dụ, sau đột quỵ bán cầu não trái, di chứng liệt nửa người phải) hoặc mô tả về mặt chức năng (Yếu do nằm lâu). Các mục tiêu nên cụ thể nhất có thể (ví dụ: tập luyện sử dụng chi giả, tối đa hóa cơ lực và sức bền tổng thể). Mặc dù những hướng dẫn mơ hồ (ví dụ: như vật lý trị liệu để đánh giá và điều trị) đôi khi được chấp nhận nhưng các hướng dẫn này không mang lại lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân và có thể bị từ chối nếu bệnh nhân yêu cầu hướng dẫn cụ thể hơn. Các bác sĩ không quen với việc viết giấy chuyển tới chuyên khoa phục hồi chức năng có thể hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Các biện pháp phòng ngừa liên quan, chẳng hạn như giới hạn nhịp tim đối với bệnh nhân mắc bệnh tim phổi, hạn chế mang vác đối với bệnh nhân bị gãy xương hoặc mật độ xương kém hoặc những điều chỉnh cụ thể đối với bệnh nhân có nguy cơ bị ngã, có thể giúp hướng dẫn kế hoạch điều trị của bác sĩ trị liệu.
Mục tiêu điều trị
Đánh giá ban đầu đặt ra các mục tiêu để khôi phục khả năng vận động và các chức năng cần thiết để thực hiện ADL, bao gồm việc chăm sóc bản thân (ví dụ: chải đầu, tắm rửa, mặc quần áo, cho ăn, đi vệ sinh), nấu ăn, dọn dẹp, mua sắm, quản lý thuốc men, quản lý tài chính, sử dụng điện thoại và đi lại. Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng và đội ngũ phục hồi chức năng xác định những hoạt động nào có thể đạt được và những gì là cần thiết để bệnh nhân có thể độc lập trong cuộc sống. Các mục tiêu giúp cải thiện chất lượng cuộc sống sẽ được bổ sung sau khi đã có sự tối ưu hóa chức năng cho các hoat động sinh hoạt thường ngày.
Tốc độ cải thiện có sự khác biệt giữa các bệnh nhân. Có những liệu trình chỉ kéo dài vài tuần; một số liệu trình khác có thể kéo dài hơn. Một số bệnh nhân đã hoàn thành liệu trình ban đầu vẫn cần những liệu trình bổ sung.
Các vấn đề giữa bệnh nhân và người chăm sóc
Giáo dục bệnh nhân và người chăm sóc là một phần quan trọng của quá trình phục hồi chức năng, đặc biệt khi bệnh nhân được xuất viện vào cộng đồng. Bệnh nhân được dạy làm thế nào để duy trì các chức năng mới hồi phục và làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ tai nạn (ngã, vết cắt, bỏng) và các thương tật thứ cấp. Các thành viên trong gia đình được dạy làm thế nào để giúp đỡ bệnh nhân càng tự chủ càng tốt, nhằm tránh tình trạng chăm sóc bệnh nhân quá mức (dẫn tới làm giảm chức năng và tăng phụ thuộc), hoặc bỏ mặc các nhu cầu chính của bệnh nhân (dẫn đến cảm giác bị chối bỏ, có thể gây ra trầm cảm hoặc gây ảnh hưởng tới các chức năng thực thể).
Sự hỗ trợ về mặt tinh thần từ các thành viên trong gia đình, người chăm sóc và bạn bè là điều cần thiết. Sự hỗ trợ này có thể dưới nhiều hình thức. Hỗ trợ tinh thần và tư vấn từ các đồng nghiệp hoặc từ các cố vấn tôn giáo là không thể thiếu đối với một số bệnh nhân.
Phục hồi chức năng lão khoa
Các bệnh lý cần phục hồi chức năng (chẳng hạn như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, gãy xương chậu, cắt cụt chi) khá phổ biến ở những bệnh nhân cao tuổi. Người cao tuổi cũng dễ có tình trạng mất chức năng trước khi xảy ra các biến cố cấp tính đòi hỏi phải phục hồi chức năng.
Người cao tuổi, dù có tình trạng suy giảm nhận thức, vẫn có thể hưởng lợi từ việc phục hồi chức năng. Tuổi tác không phải là lý do để trì hoãn hoặc từ chối việc phục hồi chức năng. Tuy nhiên, người cao tuổi có thể hồi phục chậm hơn bởi sự suy giảm khả năng thích nghi khi môi trường thay đổi, do
Không hoạt động thể chất
Thiếu sức chịu đựng
Trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ
Giảm cơ lực, mức độ vận động khớp, khả năng phối hợp và sự nhanh nhậy
Mất khả năng thăng bằng
Nên có các chương trình phục hồi chức năng thiết kế riêng cho người cao tuổi bởi vì người cao tuổi thường có các mục tiêu điều trị khác nhau và cần nhiều loại hình chăm sóc hơn những bệnh nhân trẻ tuổi. Trong các chương trình phục hồi chức năng theo lứa tuổi, những bệnh nhân cao tuổi thường ít khi so sánh tiến trình của mình hơn so với những bệnh nhân trẻ tuổi, và do đó ít khi nản lòng hơn. Nhờ đó, các yếu tố xã hội nghề nghiệp trong công tác chăm sóc sau khi ra viện có thể được triển khai dễ dàng hơn. Một số chương trình được thiết kế cho các tình huống lâm sàng cụ thể (như phục hồi chức năng sau phẫu thuật vỡ xương chậu); những bệnh nhân có tình trạng tương tự có thể cùng hướng tới mục tiêu chung bằng cách khuyến khích lẫn nhau và tăng cường tập luyện phục hồi chức năng.