Chụp mạch còn được gọi là chụp động mạch thường quy, để phân biệt với chụp CT mạch) (CTA) và chụp cộng hưởng từ mạch (MRA). Chụp động mạch cung cấp những hình ảnh chi tiết về mạch máu, thường là mạch vành, mạch phổi, mạch não và mạch chi. Chụp mạch có thể cho thấy hình ảnh tĩnh hoặc động (cineangiography).
Thuốc cản quang được đưa vào từ một catheter luồn tới vị trí mạch máu nối với mạch cần chụp. Có thể sử dụng phương pháp gây tê cục bộ hoặc an thần. Nếu catheter được đưa vào động mạch, vị trí chọc catheter cần được ép liên tục trong khoảng từ 10 đến 20 phút sau khi tháo bỏ hết dụng cụ can thiệp, nhằm giảm thiểu nguy cơ chảy máu tại chỗ chọc.
Dù mang tính chất xâm lấn, nhưng chụp động mạch vẫn là một phương pháp tương đối an toàn.
Các chỉ định chụp động mạch
Chụp CT và MRI mạch thường được sử dụng nhiều hơn chụp động mạch. Tuy nhiên, chụp động mạch là tiêu chuẩn vàng để đánh giá các tổn thương mạch máu (ví dụ, hẹp, tắc nghẽn, thông động tĩnh mạch hoặc các bất thường mạch máu khác như phình tách động mạch hay viêm mạch).
Chụp mạch thường được thực hiện trước các thủ thuật can thiệp mạch như tạo hình mạch, đặt stent mạch, gây tắc mạch khối u và gây tắc các dị dạng mạch.
Các chỉ định phổ biến của chụp động mạch bao gồm:
Chụp động mạch vành thường được thực hiện trước can thiệp qua da hoặc trước các phẫu thuật trên động mạch vành hoặc van tim. Chụp động mạch vành thường được triển khai bằng cách đặt thông tim.
Nếu cân nhắc đặt stent hoặc cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh trên bệnh nhân sau đột quỵ hoặc sau cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA), có thể chỉ định chụp mạch não.
Có thể chỉ định chụp mạch chậu và đùi trước can thiệp điều trị bệnh động mạch ngoại vi.
Chụp động mạch chủ đôi khi được chỉ định để phục vụ chẩn đoán và cung cấp các thông tin giải phẫu về các bất thường như phình tách động mạch chủ hoặc hẹp động mạch chủ.
Người ta có thể sử dụng chất huỳnh quang trong chụp động mạch chủ.
Chụp mạch phổi từng là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tắc mạch phổi; giờ đây, nó đã được thay thế bằng một phương tiện chẩn đoán ít xâm lấn hơn, đó là chụp CT mạch phổi [CTPA].
Các biến thể của chụp động mạch
Chụp mạch số hóa xóa nền
Hình ảnh của mạch máu được lấy trước và sau khi tiêm thuốc cản quang; sau đó người ta sử dụng máy tính để loại bỏ hình ảnh trước tiêm cản quang ra khỏi hình ảnh sau tiêm cản quang. Hình ảnh của các cấu trúc ngoại lai được loại bỏ, và do đó, người ta cô lập hình ảnh được hình ảnh mạch máu được làm nổi nhờ thuốc cản quang.
Hình ảnh do bác sĩ Hakan Ilaslan cung cấp.
Nhược điểm của chụp mạch
Đôi khi có thể xảy ra phản ứng thuốc cản quang.
Có thể chảy máu vị trí chọc nếu vỡ mạch, từ đó hình thành khối máu tụ gây đau. Nhiễm trùng vùng chọc hiếm gặp hơn; với triệu chứng sưng đỏ và chảy dịch tại chỗ trong vòng vài ngày sau chọc.
Tổn thương động mạch hoặc bong mảng vữa xơ do đặt catheter hiếm gặp hơn, từ đó hình thành huyết khối ngoại vi. Rất hiếm gặp các biến chứng nặng như sốc, động kinh, suy thận, và ngừng tim.
Nguy cơ bị các biến chứng cao hơn ở người cao tuổi, tuy nhiên vẫn là khá thấp.
Phổ liều bức xạ được sử dụng trong chụp mạch khá rộng và có thể đạt mức liều đáng kể (ví dụ, chụp động mạch vành có thể đạt tới liều bức xạ hiệu dụng từ 4,6 đến 15,8 mSv).
Chụp mạch phải được thực hiện bởi các bác sĩ lâm sàng có kỹ năng chuyên sâu, thường là các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hay các bác sĩ tim mạch.