Phục hồi chức năng di chuyển

Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

Trước khi phẫu thuật cắt cụt, bác sĩ cần phổ biến cho bệnh nhân về vai trò cần thiết của chương trình phục hồi chức năng hậu phẫu. Tư vấn tâm lý cũng có thể được chỉ định trong những trường hợp này. Việc có cần dùng xe lăn hay chi giả hay không phụ thuộc vào quyết định của nhóm phục hồi chức năng và bệnh nhân. (Xem thêm Tổng quan về Phục hồi chức năngChi giả.)

Phục hồi chức năng giúp hướng dẫn kỹ năng di chuyển cho bệnh nhân; nó bao gồm các bài tập để cải thiện toàn trạng và khả năng thăng bằng, nhằm kéo giãn khớp háng và khớp gối, để tăng cường sức mạnh của tất cả các chi, và để giúp bệnh nhân dung nạp tốt chi giả. Có thể chỉ định cho bệnh nhân các bài tập sức bền, bởi việc di chuyển đòi hỏi mức tiêu thụ năng lượng gia tăng từ 10 đến 40% sau phẫu thuật cắt cụt chi dưới gối, và 60 đến 100% sau phẫu thuật cắt cụt trên gối. Nên bắt đầu phục hồi chức năng ngay khi tình trạng bệnh nhân ổn định để ngăn ngừa các thương tật thứ cấp. Bệnh nhân người cao tuổi nên bắt đầu tập đứng và tập thăng bằng với thanh song song càng sớm càng tốt.

Co cứng khớp háng và khớp gối có thể tiến triển nhanh chóng, khiến việc lắp và sử dụng chi giả trở nên khó khăn. Có thể ngăn ngừa tình trạng co cứng này bằng các nẹp cố định do các chuyên gia hoạt động trị liệu tạo ra.

Các nhà vật lý trị liệu hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc phần chi còn lại và cách nhận biết những dấu hiệu sớm nhất của tình trạng tổn thương da.

Điều tiết phần chi còn lại và chi giả

Điều tiết phần chi còn lại đề cập đến quá trình chuẩn bị phần chi còn lại để chuẩn bị cho việc sử dụng bộ phận giả và bao gồm chăm sóc da, vật lý trị liệu và kiểm soát đau. Những biện pháp này giúp thúc đẩy quá trình co rút tự nhiên phải xảy ra trước khi có thể sử dụng chân giả (xem Chuẩn bị cho việc dùng chân tay giả). Chỉ sau vài ngày được điều tiết, thể tích của phần chi còn lại có thể đã giảm đi rất nhiều. Băng thun giãn hoặc băng thun đeo 24 giờ/ngày có thể giúp làm thon gọn phần chi còn lại và ngăn ngừa phù nề (xem Phù nề phần chi còn lại). Bộ đeo gây co rút dễ sử dụng, nhưng băng được lựa chọn nhiều hơn vì chúng có thể kiểm soát tốt hơn lực và vị trí đặt áp lực. Tuy nhiên, việc sử dụng băng cao su đòi hỏi kỹ năng, và cần buộc chặt lại mỗi khi chúng bị lỏng.

Tập di chuyển sớm với chi giả tạm thời sẽ tạo các thuận lợi sau:

  • Cho phép bệnh nhân hoạt động

  • Tăng tốc độ co rút của chi còn lại

  • Tránh tình trạng co cứng

  • Giảm đau do hội chứng chi ma

Mỏm cụt của bộ phận nối dài (khung bên trong hoặc bộ xương của bộ phận giả) phải vừa khít với phần chi còn lại – có thể thực hiện được nhờ quy trình sản xuất và thiết kế được vi tính hóa hiện đại. Có sẵn nhiều mô hình chi giả tạm thời có ổ cắm trụ có thể điều chỉnh được. Bệnh nhân có chi giả tạm thời có thể bắt đầu tập với thanh song song và tiến tới đi bộ bằng nạng hoặc gậy tới khi có chi giả vĩnh viễn.

Chi giả vĩnh viễn phải có trọng lượng nhẹ và bảo đảm tính an toàn cũng như nhu cầu sử dụng của bệnh nhân. Nếu bộ phận giả được thực hiện trước khi chi còn lại ngừng co lại thì có thể cần phải điều chỉnh. Do đó, việc sản xuất chi giả vĩnh viễn thường bị trì hoãn vài tuần cho đến khi mỏm cụt dừng co rút hoàn toàn. Đối với hầu hết các bệnh nhân lớn tuổi bị cắt cụt dưới đầu gối, tốt nhất nên sử dụng bộ phận giả chịu lực của gân xườn bánh chè với mắt cá chân vững chắc, bàn chân có gót đệm và hệ thống treo vòng bít trên xương bánh chè. Trừ khi bệnh nhân có nhu cầu đặc biệt, không nên sử dụng chi giả dưới gối nối với đùi và đai lưng do nặng và cồng kềnh. Đối với những người bị cắt cụt trên đầu gối, có một số phương án khóa đầu gối tùy theo kỹ năng và mức độ hoạt động của bệnh nhân. Một số công nghệ mới hơn bao gồm khớp nối đầu gối và khớp cổ chân được điều khiển bởi bộ vi xử lý cho phép bệnh nhân điều chỉnh chuyển động khi cần thiết.

Chăm sóc chi còn lại và chi giả

Bệnh nhân phải học cách chăm sóc phần chi còn lại của họ (xem phần Chăm sóc da cho phần chi còn lại). Vì chi giả chỉ được dùng để di chuyển, bệnh nhân nên tháo bỏ chi giả trước khi đi ngủ. Khi đi ngủ, phần chi còn lại phải được kiểm tra kỹ lưỡng (bằng gương nếu bệnh nhân kiểm tra), rửa sạch bằng xà phòng nhẹ và nước ấm, rồi lau khô kỹ. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ lâm sàng hoặc bác sĩ chỉnh hình trước khi điều trị bất kỳ vấn đề nào sau đây:

  • Da khô: Có thể bôi Lanolin hoặc Petrolatum lên phần chi còn lại.

  • Ra mồ hôi quá nhiều: Bôi thuốc chống ra mồ hôi không mùi.

  • Viêm da: Chất gây kích ứng phải được loại bỏ ngay lập tức và phải bôi bột hoặc kem hoặc thuốc mỡ corticosteroid có hiệu lực thấp.

  • Tổn thương da: Không nên đeo chi giả cho đến khi vết thương lành lại.

Phần tất chi còn sót lại phải được thay hàng ngày và có thể dùng xà phòng nhẹ để làm sạch bên trong mỏm cụt. Các chi giả đạt tiêu chuẩn không có tính chống thấm và kháng nước. Vì vậy, nếu chi giả bị ướt dù chỉ trên một phần nhỏ, cần làm khô toàn bộ chi ngay lập tức; không nên sử dụng các biện pháp làm khô bằng nhiệt. Đối với những bệnh nhân bơi lội hoặc tắm với chân giả, nên sử dụng các chi giả có tính chống thấm.

Các biến chứng

Đau phần chi còn lại là biến chứng phổ biến nhất (xem Đau ở chi còn lại). Nguyên nhân gây đau phổ biến bao gồm

  • Chi giả không khớp tốt với mỏm cụt: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất.

  • U dây thần kinh: U dây thần kinh tại mỏm cụt thường sờ thấy rõ. Các phương pháp điều trị bao gồm liệu pháp siêu âm, tiêm corticosteroid hoặc thuốc giảm đau vào khối u thần kinh hoặc khu vực xung quanh, liệu pháp áp lạnh và băng bó chặt liên tục phần chi còn lại. Các kỹ thuật phẫu thuật có sẵn cho cơn đau khó chữa.

  • Hình thành cựa xương cuối phần cắt cụt: Có thể được chẩn đoán bằng khám lâm sàng và chụp X-quang. Phẫu thuật cắt bỏ cựa xương là phương thức điều trị duy nhất có hiệu quả.

Cảm giác ảo ở chi (cảm giác phần bị cắt cụt vẫn còn tồn tại, có thể kèm theo cảm giác đau nhói) mà một số người bị cắt cụt gần đây gặp phải. Cảm giác này có thể kéo dài vài tháng hoặc nhiều năm nhưng thường biến mất mà không cần điều trị. Thông thường, bệnh nhân chỉ cảm nhận được một phần của chi bị cắt cụt, thường là bàn chân. Hội chứng chi ma thường không gây hại; tuy nhiên, một số bệnh nhân, trong tình trạng vô thức, có thể đứng ở tư thế hai chân và từ đó gây ngã, đặc biệt khi họ phải đi vào nhà vệ sinh vào ban đêm.

Đau do hội chứng chi ma ít gặp hơn, có thể ở mức độ nghiêm trọng và khó kiểm soát. Một số chuyên gia cho rằng biểu hiện đau có nhiều khả năng xuất hiện, nếu bệnh nhân đau nhiều trước khi cắt cụt, hoặc nếu đau không được kiểm soát đầy đủ trong và sau phẫu thuật. Các phương pháp điều trị khác nhau, chẳng hạn như tập luyện đồng thời các chi bị cắt cụt và chi đối diện, xoa bóp chi còn lại, gõ ngón tay vào chi còn lại, sử dụng các thiết bị cơ học (ví dụ: máy rung) và siêu âm, được cho là có hiệu quả. Thuốc (ví dụ: gabapentin) có thể hiệu quả.

Tổn thương da có xu hướng xảy ra do bộ phận giả đè lên và chà xát da và do hơi ẩm tích tụ giữa chi còn lại và mỏm cụt. Tổn thương da là dấu hiệu đầu tiên cho thấy cần có sự kiểm soát và điều chỉnh chi giả ngay lập tức. Dấu hiệu đầu tiên của tình trạng tổn thương da là ban đỏ; sau đó các vết cắt, mụn nước và vết loét có thể phát triển, bộ phận giả thường gây đau hoặc không thể đeo trong thời gian dài và nhiễm trùng có thể phát triển. Một số biện pháp có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn tổn thương da xuất hiện:

  • Khớp nối tốt giữa chi giả và mỏm cụt

  • Duy trì trọng lượng cơ thể ổn định (ngay cả những thay đổi nhỏ về trọng lượng cũng có thể ảnh hưởng đến khớp nối)

  • Ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước (để kiểm soát trọng lượng cơ thể và duy trì làn da khỏe mạnh)

  • Đối với bệnh nhân đái tháo đường, theo dõi và kiểm soát đường máu (để giúp ngăn ngừa biến chứng mạch máu và từ đó duy trì dòng máu tới da)

  • Đối với bệnh nhân có chân giả, cần duy trì tốt tư thế (mang giày có chiều cao gót tương đương bên cắt cụt)

Tuy nhiên, ngay cả khi chi giả khớp tốt, vẫn có thể xảy ra các biến chứng. Phần chi còn lại thay đổi hình dạng và kích thước trong ngày, tùy thuộc vào mức độ hoạt động, chế độ ăn uống và thời tiết. Do đó, mức độ khớp nối giữa mỏm cụt với chi giả cũng có thể thay đổi. Để đáp ứng những thay đổi này, bệnh nhân có thể duy trì tình trạng khớp nối bằng cách chuyển sang lớp lót dày hoặc mỏng hơn, bằng cách sử dụng lót và vớ, hoặc bằng cách thêm hoặc tháo các lớp lót đó ra. Nhưng ngay cả như vậy, kích thước của phần chi còn lại có thể thay đổi đủ để gây tổn thương da. Nếu có dấu hiệu tổn thương da, bệnh nhân nên nhanh chóng đến gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe và bác sĩ chỉnh hình; khi có thể, họ cũng nên tránh đeo chân giả cho đến khi có thể điều chỉnh được. (Xem thêm Lỏng bộ phận giả.)