Đau bụng mạn tính và đau bụng tái phát

TheoJonathan Gotfried, MD, Lewis Katz School of Medicine at Temple University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2022

Đau bụng mạn tính (Chronic abdominal pain, CAP) kéo dài hơn 3 tháng liên tục hoặc ngắt quãng. Đau bụng không liên tục có thể xem như đau bụng tái phát (RAP). Đau bụng cấp được thảo luận ở tài liệu khác. Đau bụng mạn tính xảy ra bất kỳ lứa tuổi nào sau 5 tuổi. Tối đa 10% số trẻ em cần được đánh giá tình trạng đau bụng tái phát. Khoảng 2% số người lớn, chủ yếu là phụ nữ, có đau bụng mạn tính (tỷ lệ phần trăm cao hơn nhiều ở người trưởng thành có một số loại triệu chứng tiêu hóa [GI] mạn tính, bao gồm khó tiêu không loét và các rối loạn nhu động ruột khác).

Các rối loại cơ năng ở đường ruột thường là các nguyên nhân phổ biến gây đau bụng mạn tính. Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome, IBS) là một tình trạng rối loạn cơ năng ruột gây đau bụng tái phát và thay đổi thói quen đại tiện. Hội chứng đau bụng trung ương, trước đây được gọi là đau bụng cơ năng là một tình trạng rối loạn tương tự nhưng ít phổ biến hơn mà không gây thay đổi thói quen đại tiện. (Xem thêm hướng dẫn thực hành 2021 của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ về kiểm soát IBS.)

Gần như tất cả các bệnh nhân đau bụng mạn tính đều đã được đánh giá trước đó nhưng không có chẩn đoán rõ ràng sau khi đã khai thác bệnh sử, khám thực thể và làm một số xét nghiệm cơ bản.

Sinh lý bệnh

Nguyên nhân sinh lý gây đau bụng mạn tính (xem bảng Các nguyên nhân sinh lý gây đau bụng mạn tính) là do kích thích của các thụ thể nội tạng (cơ học, hóa học hoặc cả hai). Đau có thể khu trú hoặc có liên quan, tùy thuộc vào sự phân bố dây thần kinh và mức độ liên quan của nội tạng cụ thể.

Hội chứng ruột kích thích và đau bụng trung ương gây đau kéo dài > 6 tháng mà không có bằng chứng về tình trạng bất thường về sinh lý. Sinh lý bệnh của các rối loạn cơ năng này phức tạp và dường như liên quan đến thay đổi nhu động ruột, tăng khả năng nhận cảm đau của nội tạng và các yếu tố tâm lý. Tăng cảm giác đau nội tạng đề cập đến quá mẫn cảm với mức độ căng giãn trong lòng ống tiêu hóa và tăng cao cảm nhận đau khi có lượng khí bình thường trong đường ruột; nó có thể là kết quả của quá trình chỉnh sửa lại các con đường thần kinh ở trục não-ruột.

Căn nguyên

Có thể 10% bệnh nhân có một bệnh lý sinh lý ẩn giấu ( xem Bảng: Các nguyên nhân sinh lý của đau bụng mạn tính); phần còn lại có một quá trình chức năng. Tuy nhiên, có thể khó xác định một bất thường cụ thể (ví dụ: dính, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung) là nguyên nhân gây triệu chứng đau bụng mạn tính hoặc một phát hiện tình cờ.

Bảng

Đánh giá

Lịch sử

Tiền sử của bệnh hiện tại nên tìm vị trí đau, chất lượng, thời gian, thời gian và tần suất tái phát, và các yếu tố làm nặng thêm hoặc giảm đau (đặc biệt là khi ăn hoặc di chuyển ruột). Cần phải có một điều tra cụ thể về việc sữa và các sản phẩm sữa có gây ra các cơn đau thắt ở bụng, đầy hơi hoặc chướng bụng, không vì không dung nạp lactose là phổ biến, đặc biệt là ở người da đen, người Tây Ban Nha, người Châu Á (đặc biệt là các nước Đông Á) và thổ dân châu Mỹ với tần suất tăng lên theo độ tuổi.

Xem xét các hệ thống tìm các triệu chứng tiêu hóa đi kèm như trào ngược dạ dày thực quản, chán ăn, đầy hơi hoặc "ợ", buồn nôn, nôn, vàng da, đại tiện phân đen, đi tiểu ra máu, nôn ra máu, sụt cân và có nhầy hoặc có máu trong phân. Các triệu chứng của đường ruột như tiêu chảy, táo bón và thay độ đặc, màu sắc hoặc kiểu đại tiện, là đặc biệt quan trọng.

Tiền sử ăn kiêng rất quan trọng. Ví dụ: uống một lượng lớn đồ uống cola, nước ép trái cây (có thể có lượng đường fructose và sorbitol đáng kể), hoặc các thực phẩm tạo khí (ví dụ: đậu, hành tây, bắp cải, súp lơ) có thể là nguyên nhân tạo ra cơn đau bụng khó hiểu.

Bệnh sử trong quá khứ cần phải bao gồm đặc điểm và thời gian của bất cứ lần phẫu thuật ổ bụng nào và các kết quả các xét nghiệm trước đây đã làm và các phương pháp đã điều trị đã dùng thử. Tiền sử dùng thuốc cần phải bao gồm chi tiết liên quan đến việc sử dụng thuốc theo đơn và bất hợp pháp cũng như rượu.

Tiền sử gia đình bị đau bụng tái phát, sốt hoặc cả hai triệu chứng đều cần được xác định chắc chắn, cũng như biết rõ các chẩn đoán về bệnh hoặc đặc điểm hồng cầu hình liềm, sốt Địa Trung Hải có tính chất gia đình và bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Khám thực thể

Đánh giá các dấu hiệu quan trọng cần đặc biệt lưu ý về sự xuất hiện của sốt hoặc nhịp tim nhanh.

Khám tổng quát cần phải tìm biểu hiện vàng da, phát ban ở da và phù ngoại biên.

Khám bụng cần phải lưu ý đến các vùng đau khi sờ vào, các biểu hiện của dấu hiệu phúc mạc (ví dụ: phản ứng thành bụng, co cứng cơ thành bụng, cảm ứng phúc mạc) và bất kỳ khối u hoặc phì đại các cơ quan nào. Khám trực tràng và vùng chậu (ở nữ giới) để xác định vị trí đau khi sờ vào, các khối và phân để tìm máu ẩn là điều thiết yếu.

Các dấu hiệu cảnh báo

Những phát hiện sau đây cần được quan tâm đặc biệt:

  • Sốt

  • Chán ăn, giảm cân

  • Bệnh nhân thức giấc vì đau

  • Máu trong phân hoặc trong nước tiểu

  • Vàng da

  • Phù

  • Khối ở vùng bụng hoặc tăng kích thước cơ quan

Giải thích các dấu hiệu

Khám lâm sàng đơn thuần thường không mang lại chẩn đoán chắc chắn.

Có thể rất khó xác định xem đau bụng mạn tính có liên quan đến rối loạn sinh lý hoặc rối loạn chức năng hay không. Mặc dù sự hiện diện của các dấu hiệu cảnh báo cho thấy nhiều khả năng xảy ra do nguyên nhân sinh lý, nhưng không có các dấu hiệu này không loại trừ được chẩn đoán. Những gợi ý khác là nguyên nhân sinh lý gây đau thường dễ xác định vị trí, đặc biệt là với những vị trí khác ngoài vùng quanh rốn. Cơn đau đánh thức bệnh nhân thường là sinh lý. Một số dấu hiệu gợi ý các rối loạn cụ thể được liệt kê trong Bảng Các nguyên nhân sinh lý của đau bụng mạn tính.

Đau bụng cơ năng mạn tính có thể gây đau tương tự như nguyên nhân sinh lý. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cảnh báo liên quan và đặc điểm tâm lý xã hội thường nổi bật. Tiền sử bị lạm dụng thể xác hoặc tình dục hoặc gặp những vấn đề không được giải quyết (ví dụ: ly hôn, sẩy thai, một thành viên trong gia đình tử vong) có thể là manh mối.

Tiêu chuẩn Rome IV cho chẩn đoán hội chứng ruột kích thích là có đau bụng trong ít nhất là 1 ngày/tuần trong 3 tháng qua cùng với ít nhất là 2 trong số những triệu chứng sau đây:

  • Đau liên quan đến đại tiện.

  • Đau liên quan đến thay đổi tần suất đại tiện.

  • Đau liên quan đến thay đổi độ đặc của phân (1).

Tài liệu tham khảo về đánh giá

  1. 1. Drossman DA: Functional gastrointestinal disorders: History, pathophysiology, clinical features, and Rome IV. Gastroenterology 150:1262–1279, 2016. doi: 10.1053/j.gastro.2016.02.032

Xét nghiệm

Nói chung, các xét nghiệm đơn giản (bao gồm phân tích nước tiểu, công thức máu, xét nghiệm về gan, nitơ urê máu, glucose và lipase) cần phải được thực hiện. Những bất thường trong các xét nghiệm này, có các dấu hiệu cảnh báo hoặc triệu chứng lâm sàng đặc hiệu đòi hỏi phải làm thêm xét nghiệm, ngay cả khi các xét nghiệm trước đó đã âm tính. Các xét nghiệm đặc hiệu phụ thuộc vào các dấu hiệu thực thể ( xem Bảng: Các nguyên nhân sinh lý của đau bụng mạn tính) nhưng thường bao gồm siêu âm kiểm tra xem có ung thư buồng trứng không ở phụ nữ > 50 tuổi, chụp CT bụng và vùng chậu có thuốc cản quang, nội soi đường tiêu hóa trên (đặc biệt là những bênh nhân > 60 tuổi) hoặc nội soi đại tràng và có thể chụp X-quang ruột non hoặc xét nghiệm phân.

Không rõ lợi ích của việc xét nghiệm cho những bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân > 50 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ bị ung thư đại tràng (ví dụ: tiền sử gia đình) có thể cần phải được nội soi đại tràng; những bệnh nhân 50 tuổi có thể theo dõi hoặc chụp CT bụng và vùng chậu có thuốc cản quang nếu muốn nghiên cứu hình ảnh. Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP), nội soi chụp mật tụy ngược dòng (ERCP) và nội soi ổ bụng hiếm khi hữu ích khi không có chỉ định cụ thể.

Giữa lần đánh giá ban đầu và lần khám theo dõi, bệnh nhân (hoặc gia đình, nếu bệnh nhân là trẻ em) cần phải ghi lại bất kỳ cơn đau nào, bao gồm tính chất, cường độ, thời gian và các yếu tố làm khởi phát cơn đau. Chế độ ăn, thói quen đại tiện và bất kỳ biện pháp điều trị nào (và kết quả thu được) cũng cần phải được ghi lại. Hồ sơ này có thể cho biết các kiểu hành vi không phù hợp và phản ứng quá mức với cơn đau hoặc gợi ý chẩn đoán.

Điều trị

Tình trạng sinh lý được điều trị.

Nếu có chẩn đoán đau bụng cơ năng mạn tính, thì cần phải tránh khám và làm xét nghiệm thường xuyên bởi vì bệnh nhân có thể tập trung vào điều đó hoặc phóng đại các triệu chứng thực thể hoặc cho rằng bác sĩ thiếu sự tự tin trong chẩn đoán.

Không có phương thức điều trị khỏi đau bụng mạn tính cơ năng; tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp hữu ích. Những biện pháp này dựa trên nền tảng của một mối quan hệ tin tưởng, thấu cảm giữa bác sĩ, bệnh nhân và gia đình. Bệnh nhân cần được trấn an rằng họ không gặp nguy hiểm; các mối lo ngại cụ thể cần phải được phát hiện và giải quyết. Bác sĩ cần phải giải thích các kết quả xét nghiệm, bản chất của vấn đề và mô tả cơ chế của cơn đau và bệnh nhân cảm nhận cơn đau đó như thế nào (ví dụ: có khuynh hướng cảm thấy đau khi vào lúc căng thẳng). Điều quan trọng là phải tránh kéo dài những hậu quả tâm lý xã hội tiêu cực kéo dài do đau mạn tính (ví dụ: nghỉ học hoặc nghỉ làm dài ngày, không tham gia các hoạt động xã hội) và thúc đẩy sự độc lập, tham gia xã hội và tự lực. Những chiến lược này giúp bệnh nhân kiểm soát hoặc dung nạp các triệu chứng khi tham gia đầy đủ các hoạt động hàng ngày.

Các loại thuốc như thuốc chống co thắt và thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể có hiệu quả. Cần phải tránh các loại thuốc phiện vì có lo ngại về khả năng xảy ra phụ thuộc và khả năng mắc hội chứng ruột ma túy. Điều chỉnh chế độ ăn uống và tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ hoặc chất bổ sung chất xơ có thể có tác dụng cho một số bệnh nhân. Bằng chứng hỗ trợ việc sử dụng probiotic cho hội chứng đau bụng do trung ương gây ra hiện còn hạn chế. (Xem thêm hướng dẫn thực hành 2021 của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ về kiểm soát IBS.)

Các phương pháp nhận thức (ví dụ: hướng dẫn cách thư giãn, phản hồi sinh học, thôi miên) có thể giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và kiểm soát tình trạng bệnh. Các lần tái khám theo dõi thường xuyên cần phải được lên lịch hàng tuần, hàng tháng hoặc hai tháng một lần tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân và cần phải tiếp tục cho đến sau khi vấn đề được giải quyết. Có thể cần phải giới thiệu bệnh nhân đi khám tâm thần nếu các triệu chứng vẫn dai dẳng, đặc biệt là nếu bệnh nhân bị trầm cảm hoặc có những người gây căng thẳng tâm lý đáng kể trong gia đình.

Những điểm chính

  • Hầu hết các trường hợp có biểu hiện một quá trình cơ năng.

  • Các dấu hiệu cảnh báo cho thấy một nguyên nhân sinh lý và cần được đánh giá thêm.

  • Xét nghiệm được chỉ định theo những đặc điểm lâm sàng.

  • Xét nghiệm lại sau khi các nguyên nhân sinh lý được loại bỏ thường là phản tác dụng.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. American College of Gastroenterology: Clinical guideline for the management of IBS (2021)