Đánh giá bệnh nhân Nha khoa

TheoRosalyn Sulyanto, DMD, MS, Boston Children's Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 4 2024

Lần khám răng định kỳ đầu tiên nên được thực hiện khi trẻ 1 tuổi hoặc khi răng đầu tiên mọc. Các lần khám tiếp theo nên được thực hiện mỗi 6 tháng hoặc bất cứ khi nào có triệu chứng. Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh răng miệng cao hơn do nhiều yếu tố khác nhau (ví dụ: chế độ ăn gây sâu răng, 3 tổn thương sâu răng trở lên hoặc phục hồi trong 36 tháng qua, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt, khô miệng), có thể cần khoảng thời gian ngắn hơn giữa các lần đánh giá. Khám miệng là một phần của khám toàn thân nói chung. Các dấu hiệu ở miệng trong nhiều bệnh toàn thân là duy nhất, đôi khi mang tính bệnh lý và có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh (xem bảng Các dấu hiệu ở miệng trong các bệnh lý toàn thân). Ung thư miệng có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm.

(Xem thêm phần Giới thiệu về bệnh nhân nha khoa.)

Tiền sử ở bệnh nhân nha khoa

Các triệu chứng nha khoa quan trọng bao gồm chảy máu, đau, lệch lạc khớp cắn, tăng sinh mới, dị cảm, và các vấn đề khi ăn nhai (xem bảng Một số triệu chứng răng miệng và nguyên nhân có thể xảy ra); các triệu chứng nha khoa kéo dài có thể làm giảm lượng ăn uống, dẫn đến giảm cân. Thông tin chung bao gồm việc sử dụng rượu hoặc thuốc lá (cũng là hai yếu tố nguy cơ chính đối với ung thư đầu và cổ) và các triệu chứng toàn thân, như sốt và giảm cân.

Bảng

Khám thực thể bệnh nhân nha khoa

Để khám tốt cần có ánh sáng tốt, cây đè lưỡi, găng tay, và một miếng gạc. Hàm giả toàn bộ hoặc hàm giả từng phần được tháo ra để có thể nhìn thấy các mô mềm bên dưới.

Khuôn mặt

Người khám ban đầu nhìn vào mặt để tìm sự mất cân đối, khối u và các tổn thương da. Sự mất cân xứng nhẹ trên khuôn mặt là phổ biến, nhưng sự mất cân xứng rõ ràng có thể cho thấy một bất thường bên dưới, có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải (xem bảng Một số rối loạn của vùng miệng theo vị trí xâm lấn chiếm ưu thế).

Bảng

Răng

Răng được khám về hình dạng, sự sắp xếp, khiếm khuyết, độ di động, màu sắc, và sự hiện diện của mảng bám, chất trắng (vi khuẩn đã chết, mảnh vụn thức ăn, tế bào biểu mô bị bong), và vôi răng (cao răng).

Răng được gõ nhẹ nhàng bằng cây đè lưỡi hoặc cán gương khám để đánh giá mức độ đau (độ nhạy cảm khi gõ). Nhạy cảm khi gõ hướng đến sâu răng gây hoại tử tủy với áp xe quanh cuống hoặc bệnh quanh răng nặng. Sự nhạy cảm khi gõ hoặc đau khi cắn cũng có thể là chỉ dấu là răng bị nứt từng phần (gãy cành tươi). Sự nhạy cảm khi gõ ở nhiều răng hàm trên liền nhau có thể là do viêm xoang hàm trên. Sự căng khi sờ quanh chóp răng có thể là dấu hiệu của áp xe.

Răng lung lay thường là dấu hiệu của bệnh quanh răng nặng nhưng cũng có thể do tật nghiến răng (nghiến hoặc mài mòn răng) hoặc chấn thương làm tổn thương tổ chức quanh răng. Hiếm khi, răng bị lung lay do xương ổ răng bị tiêu bởi một cấu trúc bên dưới (ví dụ, u men, u hạt ưa eosin). Nghi ngờ khối u hoặc nguyên nhân toàn thân gây mất xương ổ răng (ví dụ: đái tháo đường, cường cận giáp, loãng xương, hội chứng Cushing) khi răng lung lay và không có mảng bám nặng và vôi răng.

Cao răng là sự khoáng hóa của mảng bám vi khuẩn - kết tủa của vi khuẩn, lượng thức ăn dư, nước bọt và chất nhầy với muối canxi và phosphate. Sau khi làm sạch răng, lớp phủ mucopolysaccharide (màng mỏng) lắng đọng gần như ngay lập tức. Sau khoảng 24 giờ, vi khuẩn xâm thực biến màng mỏng thành mảng bám. Sau khoảng 72 giờ, mảng bám sẽ bắt đầu canxi hóa, trở thành cao răng. Cao răng tích tụ nhiều nhất ở mặt lưỡi (mặt trong) của răng hàm dưới gần miệng ống tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi (ống Wharton) và ở mặt ngoài (má) của răng hàm lớn hàm trên gần ống tuyến nước bọt mang tai (ống Stensen).

Sâu (sâu răng) đầu tiên xuất hiện dưới dạng các đốm trắng/khiếm khuyết trên men răng do quá trình khử khoáng. Tiến triển của sâu răng dẫn đến tổn thương tạo hốc. Tái khoáng hóa đốm trắng, thường sử dụng hợp chất florua hoặc canxi photphat, giúp phục hồi các khiếm khuyết về men răng.

Mòn răng có thể là do tiếp xúc với axit dạ dày do trào ngược dạ dày thực quản nặng (ăn mòn), tác động cơ học (tiêu hao hoặc mài mòn) do nghiến răng hoặc mão sứ cọ xát với men răng đối diện (sứ cứng hơn men răng) hoặc lão hóa. Mòn khiến việc nhai kém hiệu quả và khiến các răng không sâu răng trở nên nhạy cảm khi men răng bị bào mòn làm lộ ngà răng bên dưới. Ngà nhạy cảm với sự tiếp xúc và thay đổi nhiệt độ. Nha sĩ có thể làm giảm độ nhạy cảm của răng hoặc phục hình lại cấu trúc giải phẫu bằng cách làm chụp hoặc onlay trên nhưng răng bị mòn nhiều. Trong những trường hợp chân răng nhạy cảm nhẹ, chân răng bị lộ có thể được làm giảm mẫn cảm bằng florua, bạc diamine florua hoặc kali nitrat hoặc các chất kết dính ngà răng.

Răng bị biến dạng có thể do rối loạn trong quá trình phát triển hoặc rối loạn nội tiết. Trong hội chứng Down, răng nhỏ, đôi khi không có răng cửa bên hoặc răng tiền hàm và răng cửa hàm dưới hình nón. Ở bệnh giang mai bẩm sinh, các răng cửa có thể nhỏ ở 1/3 răng cửa, tạo thành hình chốt hoặc hình tuốc nơ vít với một rãnh ở giữa rìa cắn (răng cửa Hutchinson) và răng hàm lớn thứ nhất nhỏ, bề mặt nhai nhỏ và nhám, men răng chia thùy, thường giảm sản (răng hàm dâu tằm). Trong loạn sản ngoại bì, bệnh nhân không có răng hoặc răng hình chóp, vì thế cần đeo hàm giả ngay từ nhỏ.

Hình thành ngà răng không hoàn hảo, một rối loạn do gen trội trên nhiễm sắc thể thường, gây ra ngà răng bất thường có màu nâu xanh xỉn và trắng đục và không đủ đệm men răng bên trên. Các răng như vậy không thể chịu được lực cắn và sẽ mòn rất nhanh.

Những người bị thiếu hụt hormone tăng trưởng hoặc bị suy tuyến cận giáp bẩm sinh có chân răng nhỏ; những người bị chứng khổng lồ có chân răng lớn. Bệnh to cực chi gây ra tình trạng dư thừa xi măng ở chân răng cũng như khiến hàm bị to ra, do đó các răng có thể trở nên cách xa nhau. Bệnh to đầu chi cũng có thể gây ra cắn hở, răng cửa hàm trên và hàm dưới không tiếp xúc khi ngậm miệng.

Răng cửa bên nhỏ bẩm sinh gặp khi không có bệnh hệ thống. Không có răng bẩm sinh phổ biến nhất là răng hàm thứ ba, tiếp theo là răng cửa bên hàm trên và răng hàm nhỏ thứ hai hàm dưới.

Khiếm khuyết về màu răng cần phân biệt với răng vàng hoặc răng tối màu do sắc tố từ thức ăn, do tuổi, và phổ biến nhất là do hút thuốc. Răng có thể có màu xám do tủy hoại tử, thường do sâu răng lan vào tủy hoặc do lắng đọng hemosiderin ở ngà sau chấn thương, với tủy hoại tử hoặc không.

Răng của trẻ bị sậm màu đáng kể và vĩnh viễn sau khi mẹ sử dụng tetracycline trong thời gian ngắn trong nửa sau của thai kỳ hoặc do trẻ trong quá trình hình thành răng (phát triển răng), đặc biệt là tình trạng vôi hóa thân răng, kéo dài đến 9 tuổi. Tetracycline hiếm khi gây ra sự đổi màu vĩnh viễn đối với các răng đã phát triển hoàn chỉnh ở người lớn. Tuy nhiên, minocycline làm tối màu xương, có thể nhìn thấy trong miệng nếu lợi và niêm mạc mỏng. Các răng tổn thương phát ra các màu khác nhau dưới ánh sáng tia cực tím tương ứng với các loại tetracycline bệnh nhân sử dụng.

Trong bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin bẩm sinh, cả răng sữa và răng vĩnh viễn đều có thể đổi màu đỏ hoặc nâu nhưng luôn phát huỳnh quang màu đỏ do sắc tố lắng đọng trong ngà răng. Tăng bilirubin máu bẩm sinh khiến răng bị đổi màu vàng.

Răng có thể được làm trắng (xem bảng Thủ thuật làm trắng răng).

Bảng

Những khiếm khuyết về men răng có thể do bệnh còi xương gây ra, dẫn đến lớp men răng thô ráp, không đều. Bất cứ bệnh sốt kéo dài nào trong suốt quá trình hình thành răng cũng có thể gây ra một vùng men răng hẹp, trắng rỗ tồn tại vĩnh viễn hoặc đơn giản chỉ là vùng đổi màu trắng thấy sau khi răng mọc. Do đó, tuổi mà bệnh xảy ra và thời gian kéo dài có thể được ước tính bằng vị trí và chiều cao của dải trắng.

Rỗ men răng cũng xảy ra ở bệnh xơ cứng củ phức tạp và hội chứng Angelman. Hình thành men bất toàn, một bệnh do gen trội trên nhiễm sắc thể thường, gây ra tình trạng giảm sản men răng nặng. Nôn ói mạn tính và trào ngược dạ dày thực quản có thể làm mất canxi thân răng, chủ yếu là bề mặt lưỡi của răng trước hàm trên.

Hít cocaine trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng mất răng trên diện rộng vì thuốc phân ly trong nước bọt thành bazơ và axit clohydric. Việc sử dụng methamphetamine trong thời gian dài gây ra chứng khô miệng, làm tăng đáng kể tình trạng sâu răng nặng và viêm nha chu (“miệng methamphetamine”).

Những người bơi lội dành nhiều thời gian trong bể chứa nhiều clo có thể bị mất men răng ở mặt ngoài/mặt ngoài của răng, đặc biệt là răng cửa hàm trên, răng nanh và răng hàm nhỏ thứ nhất. Nếu thêm natri cacbonat vào nước bể bơi để điều chỉnh độ pH, thì có thể gây ra răng màu nâu nhưng có thể được làm sạch bởi nha sĩ.

Nhiễm fluor là tình trạng đổi màu men răng có thể phát triển ở trẻ uống nước có chứa > 1,5 ppm fluoride trong quá trình phát triển răng. Nhiễm fluor phụ thuộc vào lượng fluor hấp thụ và lứa tuổi của trẻ khi bị phơi nhiễm. Men răng thay đổi từ các vùng trắng đục không đều đến cả thân răng có màu nâu sẫm với bề mặt gồ ghề. Các răng này có khả năng kháng sâu răng cao.

Miệng và khoang miệng

Sờ khám môi. Khi miệng của bệnh nhân mở ra, niêm mạc miệng và tiền đình được kiểm tra bằng cây đè lưỡi; sau đó là kiểm tra vòm miệng cứng và mềm, lưỡi gà, và họng miệng. Bệnh nhân được yêu cầu đưa lưỡi càng xa càng tốt, bộc lộ lưng lưỡi và đưa lưỡi sang hai bên tối đa có thể để có thể nhìn thấy được phía bên sau. Nếu một bệnh nhân không thể đưa lưỡi đủ xa để có thể bộc lộ các nhú đài, thì bác sĩ phải đặt gạc vào lưỡi để kéo nó ra. Sau đó, nâng lưỡi lên để xem mặt lưng lưỡi và sàn miệng. Kiểm tra răng và lợi.

Cần chú ý đến sự phân bố bất thường của niêm mạc sừng hóa và không sừng hóa trong miệng. Mô sừng hóa xuất hiện trên vùng không sừng hóa và có màu trắng. Tình trạng bất thường này, được gọi là bạch sản, cần phải sinh thiết vì nó có thể là ung thư hoặc tiền ung thư. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là các vùng niêm mạc mỏng hơn. Những vùng màu đỏ này, được gọi là hồng sản, nếu tồn tại ít nhất 2 tuần, đặc biệt là ở bụng lưỡi và sàn miệng, gợi ý chứng loạn sản, ung thư biểu mô tại chỗ hoặc ung thư tế bào vảy ở miệng.

Bác sĩ đeo găng tay, sờ tiền đình và sàn miệng, bao gồm cả tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Để thăm khám được thoải mái hơn, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân thư giãn miệng, chỉ giữ miệng mở rộng đủ để khám.

Khớp thái dương hàm

Khớp thái dương hàm (TMJ) được thăm khám bằng cách xem chuyển động hàm khi há miệng và sờ nắn chỏm lồi cầu ở vị trí ngay trước ống tai ngoài. Sau đó, người khám đặt các ngón tay út của họ vào ống tai ngoài với các miếng đệm của các đầu ngón tay đẩy nhẹ ra phía trước trong khi bệnh nhân liên tục mở rộng và sau đó đóng lại. Bệnh nhân cũng có thể há rộng miệng thoải mái đủ để đặt 3 khoát ngón tay của mình theo chiều dọc giữa các răng cửa (thường từ 4 đến 5 cm).

Khít hàm, không thể mở miệng, có thể chỉ ra bệnh thái dương hàm (nguyên nhân phổ biến nhất), viêm màng ngoài tim, xơ cứng hệ thống, viêm khớp, cứng khớp TMJ, trật khớp thái dương hàm, uốn ván hoặc áp xe quanh amiđan. Miệng há rộng bất thường có thể do trật khớp nhẹ hoặc hội chứng Ehlers-Danlos loại III.

Xét nghiệm ở bệnh nhân nha khoa

Đối với một bệnh nhân mới hoặc bệnh nhân cần được chăm sóc tăng cường, nha sĩ sẽ chụp một loạt phim x-quang nha khoa. Loạt phim này bao gồm 14 đến 16 phim cận chóp hiển thị chân răng và xương cùng với 4 phim cánh cắn để phát hiện sâu răng sớm ở kẽ các răng sau. Các kỹ thuật hiện đại cho phép giảm sự phơi nhiễm bức xạ ở mức gần như không đáng kể.

Các bệnh nhân có nguy cơ sâu răng cao (ví dụ: những người có sâu răng phát hiện trong quá trình khám lâm sàng, có nhiều phục hồi, hoặc bị sâu răng tái phát trên răng đã phục hồi trước đó) nên được chụp X-quang cánh cắn mỗi 6-12 tháng. Nếu không, cánh cắn được chỉ định mỗi 2 đến 3 năm.

Chụp X-quang toàn cảnh có thể mang lại thông tin hữu ích về sự phát triển của răng, u nang hoặc khối u ở hàm, răng thừa hoặc thiếu bẩm sinh, răng cối lớn thứ ba, hội chứng Eagle (ít gặp hơn) và mảng bám động mạch cảnh.