Tổng quan về tiểu tiện

Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 9 2023

    Rối loạn tiểu tiện ảnh hưởng đến tích trữ hoặc tống xuất nước tiểu bởi vì cả hai đều được kiểm soát bởi cùng cơ chế thần kinh và cơ chế hoạt động của hệ tiết niệu. Kết quả là tiểu không tự chủ hoặc là bí tiểu.

    Đối với chức năng đường tiết niệu bình thường, các hệ thống thần kinh tự động và hệ thần kinh có chủ ý phải còn nguyên vẹn, và các cơ của đường tiết niệu phải còn chức năng. Thông thường, bàng quang đầy nước tiểu kích thích các thụ thể trong thành bàng quang để truyền các xung thần kinh qua dây thần kinh tủy sống S2 đến S4 rồi đến tủy sống, sau đó đến vùng cảm giác của vỏ não, nơi chỉ đạo cần phải đi tiểu. Thể tích ngưỡng, khác nhau ở từng người, khởi phát nhận thức về sự cần thiết phải đi tiểu. Tuy nhiên, cơ thắt ngoài ở cổ bàng quang được kiểm soát theo ý muốn và thường co lại cho đến khi người đó quyết định đi tiểu.

    Trung tâm ức chế tiểu tiện nằm ở thùy trán cũng giúp kiểm soát việc đi tiểu. Khi có quyết định, tín hiệu có chủ đích trong vỏ não khởi động việc đi tiểu. Các xung động này được truyền đến trung tâm tiểu tiện ở cầu não, nơi phối hợp các tín hiệu đồng thời để co cơ trơn ở cơ trơn bàng quang (thông qua các sợi thần kinh phó giao cảm cholinergic) và làm giãn cơ vòng trong (thông qua các sợi thần kinh giao cảm alpha) và cơ vân của cơ thắt ngoài và sàn chậu (xem hình Đi tiểu bình thường: Phối hợp co bóp bàng quang và thư giãn cơ thắt niệu đạo). Ngoài chức năng kiểm soát tiểu tiện thông thường, việc tự chủ tiểu tiện và việc đi tiểu bình thường đòi hỏi phải có chức năng nhận thức bình thường (bao gồm cả sự vận động), di chuyển được tới nhà vệ sinh và có khả năng sử dụng đôi bàn tay khéo léo.

    Sự tổn thương hoặc rối loạn chức năng của bất kỳ thành phần nào liên quan đến việc đi tiểu có thể gây tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu.

    Đi tiểu bình thường: Phối hợp co bóp bàng quang và thư giãn cơ vòng niệu đạo

    Hệ thần kinh trung ương ức chế sự bài tiết cho đến thời điểm phù hợp và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho đường niệu dưới từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc việc đi tiểu. Hệ thần kinh giao cảm làm co cơ thắt trơn. Hệ thần kinh phó giao cảm làm co cơ trơn bàng quang thông qua các sợi cholinergic. Hệ thần kinh điều khiển theo ý muốn làm co cơ thắt vân thông qua các sợi cholinergic từ dây thần kinh bịt. (Phỏng theo DuBeau CE, Resnick NM với các cộng tác viên dự án EDUCATE của Massachusetts Department of Health: Urinary Incontinence in the Older Adult: An Annotated Speaker/Teacher Kit, 1993; sử dụng với sự cho phép của các tác giả.)