Khò khè và hen ở nhũ nhi và trẻ nhỏ

TheoRajeev Bhatia, MD, Phoenix Children's Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2024

Thở khò khè là tiếng có âm độ tương đối cao do luồng không khí thổi qua các đường thở nhỏ bị hẹp và chèn ép. Tình trạng này thường gặp trong vài năm đầu đời và thường do nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc hen suyễn, nhưng các nguyên nhân khác có thể bao gồm hít phải chất kích thích hoặc chất gây dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, dị vật và suy tim.

(Xem thêm Khò khè ở người lớn và Bệnh hen suyễn ở người lớn.)

Các đợt khò khè tái diễn rất phổ biến trong những năm đầu đời; 1/3 số trẻ em có ít nhất một đợt thở khò khè cấp tính xảy ra trước 3 tuổi (1). Bởi vì khò khè điển hình thường đáp ứng với thuốc giãn phế quản, nên cần xem xét tiền sử hen phế quản. Tuy nhiên, những bằng chứng gần đây cho thấy nhiều trẻ khò khè tái diễn lúc nhỏ không bị hen sau này ở giai đoạn lớn hoặc thanh thiếu niên cho thấy nên chẩn đoán phân biệt ở trẻ nhỏ khò khè tái diễn.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Không phải tất cả khò khè ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ đều là hen.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Taussig LM, Wright AL, Holberg CJ, et al: Tucson Children's Respiratory Study: 1980 to present. J Allergy Clin Immunol 111:661–675, 2003. doi: 10.1067/mai.2003.162

Nguyên nhân gây thở khò khè và hen suyễn ở trẻ nhỏ

Ở một số trẻ nhỏ, những đợt khò khè tái diễn là biểu hiện ban đầu của hen, và những trẻ này sẽ tiếp tục khò khè sau đó ở tuổi thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Ở những trẻ khác, các đợt khò khè chấm dứt khi trẻ 6 đến 10 tuổi không được cho là biểu hiện của hen.

Ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ, khò khè do nhiễm virut, đặc biệt là virut hợp bào hô hấprhinovirus người, có liên quan với nguy cơ tiến triển thành hen ở trẻ em (1, 2). Chẩn đoán hen có khả năng hơn ở những trẻ có các triệu chứng dị ứng, các đợt khò khè nghiêm trọng hơn, và/hoặc tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc hen.

Khò khè thường do co thắt phế quản mà có thể trở nên tệ hơn do viêm đường thở nhỏ và vừa gây ra phù nề và hẹp đường thở thêm. Một số đợt khò khè cấp tính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường do viêm đường hô hấp do virut, nhưng viêm đường hô hấp cũng có thể gây ra (hoặc nặng hơn) do dị ứng hoặc hít phải chất kích ứng (ví dụ khói thuốc lá). Ho khò khè tái phát có thể do nhiễm trùng đường hô hấp do virut tái đi tái lại, dị ứng hoặc hen. Các nguyên nhân ít gặp hơn của thở khò khè tái phát bao gồm chứng khó nuốt lâu dài gây ra sặc tái phát, trào ngược dạ dày thực quản, nhuyễn đường thở, dị vật bị hít sặc ứ đọng trong phổi hoặc suy tim. Thông thường, nguyên nhân gây khò khè tái diễn không rõ ràng.

Tài liệu tham khảo về căn nguyên

  1. 1. Jartti T, Gern JE: Role of viral infections in the development and exacerbation of asthma in children. J Allergy Clin Immunol 140(4):895–906, 2017. doi: 10.1016/j.jaci.2017.08.003

  2. 2. Mikhail I, Grayson MH: Asthma and viral infections: An intricate relationship. Ann Allergy Asthma Immunol 123(4):352–358, 2019. doi: 10.1016/j.anai.2019.06.020

Triệu chứng và dấu hiệu thở khò khè và hen suyễn ở trẻ nhỏ

Thở khò khè thường đi kèm ho khan hoặc ho đờm tái diễn. Các triệu chứng khác phụ thuộc vào nguyên nhân và có thể bao gồm sốt, chảy nước mũi (nhiễm virut), và các vấn đề về ăn uống (ví dụ do suy tim hoặc khó nuốt).

Khi khám, khò khè biểu hiện chủ yếu ở thì thở ra, trừ khi đường thở hẹp nặng có thể nghe khò khè ở thì hít vào. Các biểu hiện khác khi bệnh nặng hơn bao gồm thở nhanh, phập phồng cánh mũi, co kéo cơ liên sườn và/hoặc rút lõm lồng ngực, và tím. Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp có thể bị sốt.

Chẩn đoán thở khò khè và hen suyễn ở trẻ nhỏ

  • Phim X quang ngực cho giai đoạn đầu nặng và đôi khi cho các giai đoạn không điển hình hoặc tái phát

Đối với đợt thở khò khè nặng đầu tiên, hầu hết các bác sĩ lâm sàng đều chụp một phim X quang ngực để phát hiện các dấu hiệu của dị vật do hít sặc, viêm phổi hoặc suy tim và đo độ bão hòa oxy trong máu để đánh giá việc cần thiết phải điều trị bằng oxy. Hình ảnh ứ khí toàn bộ trên X-quang gợi ý bẫy khí lan tỏa trong hen, trong khi ứ khí khu trú gợi ý bất thường cấu trúc hoặc dị vật đường thở. Phim X quang ngực cũng có thể cho thấy sự hiện diện của vòng mạch máu là nguyên nhân gây thở khò khè (ví dụ: quai động mạch chủ phải).

Đối với trẻ bị các đợt tái diễn, các trường hợp xuất hiện cơn cấp điển hình không cần yêu cầu làm các xét nghiệm trừ khi có dấu hiệu tiến triển suy hô hấp. Các kiểm tra như nghiên cứu nuốt, chụp ảnh thực quản có thuốc cản quang, CT hoặc nội soi phế quản có thể hữu ích cho một số trẻ bị các đợt cấp hoặc triệu chứng nặng thường xuyên hoặc triệu chứng nặng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản hoặc các loại thuốc trị hen suyễn khác.

Điều trị thở khò khè và hen suyễn ở trẻ nhỏ

  • Đối với các đợt khò khè cấp tính, thuốc giãn phế quản dạng hít và, xem xét, corticosteroid toàn thân

  • Đối với trẻ có các đợt khò khè nghiêm trọng thường xuyên, thử điều trị (ví dụ, corticosteroid dạng hít) thuốc dùng cho hen phế quản.

Trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ khò khè cấp tính được cho thuốc giãn phế quản dạng hít, và nếu khò khè nặng, xem xét cho corticosteroid toàn thân (xem Điều trị đợt cấp tính của hen).

Trẻ em ít khả năng tiến triển thành hen dai dẳng, chẳng hạn như trẻ không có cơ địa dị ứng hoặc tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc hen, và những đợt khò khè đều tương đối nhẹ và không thường xuyên có thể được quản lý chỉ với thuốc giãn phế quản dạng hít khi cần thiết.

Hầu hết trẻ nhỏ bị thở khò khè thường xuyên và/hoặc thở khò khè nặng hơn đều được hưởng lợi từ liệu pháp duy trì bằng thuốc giãn phế quản khi cần thiết và thuốc chống viêm (ví dụ: corticosteroid dạng hít) như sử dụng cho bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, mặc dù sử dụng thuốc kháng leukotriene kéo dài hoặc corticosteroid dạng hít liều thấp làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất khò khè, nhưng không làm thay đổi tiến trình tự nhiên của rối loạn gây ra khò khè.

Tiên lượng về thở khò khè và hen suyễn ở trẻ nhỏ

Nhiều trẻ khò khè tái diễn khi nhỏ sẽ không xuất hiện khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, nhiều trẻ lớn và người lớn mắc bệnh hen suyễn mạn tính khó điều trị bị thở khò khè lần đầu tiên khi còn nhỏ.

Những điểm chính

  • Thở khò khè tái phát thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể không nhất thiết là biểu hiện của hen suyễn.

  • Một số đợt khò khè cấp tính ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường do viêm đường hô hấp do virut, nhưng viêm đường hô hấp cũng có thể gây ra (hoặc nặng hơn) do dị ứng hoặc hít phải chất kích ứng (ví dụ khói thuốc lá).

  • Ho khò khè tái phát có thể do nhiễm trùng đường hô hấp do virut tái đi tái lại, dị ứng hoặc hen.

  • Ho khan hoặc ho có đờm thường đi kèm với thở khò khè.

  • Phim chụp X-quang ngực đối với đợt thở khò khè nặng đầu tiên để loại trừ dị vật do hít sặc, viêm phổi hoặc suy tim.

  • Điều trị các đợt thở khò khè cấp tính bằng thuốc giãn phế quản dạng hít và có thể là corticosteroid; đối với trẻ em có các đợt thở khò khè thường xuyên hoặc thở khò khè nặng hơn, hãy xem xét việc điều trị duy trì bằng thuốc giãn phế quản và corticosteroid dạng hít như được sử dụng trong bệnh hen.