Tổn thương tủy sống ở trẻ em

TheoGordon Mao, MD, Indiana University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 7 2023

Mặc dù trẻ em < 10 tuổi có tỷ lệ thấp nhất của chấn thương cột sống, tuy nhiên những tổn thương không phải là hiếm. Hầu hết các chấn thương tủy sống ở trẻ em xảy ra ở cổ.

Trẻ < 8 tuổi, chấn thương cột sống cổ xảy ra phổ biến nhất ở trên C4 và thường xảy ra do tai nạn xe máy, ngã, và bạo hành trẻ em. Trẻ < 8 tuổi, tổn thương ở C5 đến C8 thường phổ biến hơn và do tai nạn xe máy, tai nạn thể thao, đặc biệt là thể dục dụng cụ, lặn, cưỡi ngựa, bóng bầu dục, và vật. So với người lớn, trẻ em có các đặc điểm giải phẫu khác biệt (ví dụ: tỷ lệ kích thước đầu trên cơ thể lớn hơn, độ đàn hồi của bao dây chằng cột sống) khiến trẻ dễ bị di động quá mức của cột sống mà không có tổn thương xương rõ ràng.

Trẻ bị tổn thương tủy sống có thể có những triệu chứng thoáng qua như rối loạn cảm giác và yếu. Trẻ em cũng có thể đau nhói xuống xương sống hoặc chân tay. Ở khoảng 25% trẻ em bị tổn thương tủy sống, sự xuất hiện các dấu hiệu thần kinh (như thiếu hụt thần kinh cục bộ, liệt hoàn toàn) bị chậm từ 30 phút đến 4 ngày sau khi bị thương, khiến chẩn đoán ban đầu trở nên khó khăn.

Tổn thương tủy sống không có bằng chứng bất thường trên phim X-quang (SCIWORA) có liên quan đến kéo giãn tủy sống, đụng dập tủy sống, chấn động tủy và tổn thương mạch máu. Loại thương tích này xảy ra hầu như chỉ ở trẻ em và thường xảy ra ở cột sống cổ. Trong tổn thương tủy sống mà không có bằng chứng về bất thường về X-quang, bệnh nhân có các dấu hiệu thần kinh gợi ý tổn thương tủy sống (ví dụ: rối loạn cảm giác, yếu) nhưng hình ảnh giải phẫu bình thường và không thấy bất thường về xương trên các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT và/hay MRI).

Trẻ bị cố định bởi SCIWORA hoặc các chấn thương tủy sống khác có nguy cơ bị biến chứng do bất động, bao gồm loét do tư thế nằm, biến chứng thuyên tắc huyết khối, xẹp phổiviêm phổi, rối loạn phản xạ thần kinh thực vật do tăng huyết ápcác biến chứng do bàng quang do thần kinh, bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu dưới hoặc trên (thứ phát sau đặt ống thông tiểu trong thời gian dài), sỏi niệu quản, trào ngược bàng quang niệu đạo và cuối cùng là bệnh thận mạn tính.

(Xem thêm Chấn thương cột sống.)

Chẩn đoán tổn thương tủy sống ở trẻ em

  • X-quang (tư thế nghiêng bên, tư thế thẳng trước sau và tư thế há miệng để xem mỏm nha)

  • Thông thường CT, để phát hiện đối với tổn thương xương hoặc dây chằng

  • MRI để xác nhận vị trí và mức tổn thương trong tủy sống

Tổn thương tủy sống nên được nghi ngờ ở bất cứ trẻ em nào bị tai nạn xe máy, đã rơi xuống từ độ cao 3 m, hoặc đã bị đuối nước.

Tổn thương tủy sống mà không có bằng chứng về bất thường X-quang (SCIWORA) được nghi ngờ ở trẻ em có các triệu chứng thậm chí thoáng qua của rối loạn chức năng thần kinh hoặc đau lan xuống cột sống hoặc tứ chi và cơ chế tổn thương tương thích với tổn thương tủy sống. SCIWORA là một hiện tượng phổ biến ban đầu được mô tả vào những năm 1980, khi không có máy chụp MRI có khả năng phát hiện các bất thường gây bệnh trên phim chụp X-quang. Thuật ngữ SCIWORA hiện nay ít được sử dụng hơn vì máy chụp MRI có nhiều hơn ở các bệnh viện ở Hoa Kỳ và có thể xác định các bất thường về nguyên nhân trên X quang.

Tùy thuộc vào sự sẵn có về nguồn lực chẩn đoán hình ảnh ở địa phương, chẩn đoán hình ảnh thường bắt đầu với chụp X-quang, bao gồm cả tư thế nghiêng bên, tư thê thẳng trước sau và tư thế há miệng để xem mỏm nha. Nếu nghi ngờ gãy xương, trật xoay hoặc trật khớp dựa trên phim X-quang hoặc cơ chế chấn thương có nguy cơ cao thì CT thường được sử dụng. MRI thường được thực hiện với bất kỳ điều nào sau đây:

  • Chấn thương tủy sống bị nghi ngờ dựa trên phim X-quang hoặc CT

  • Tổn thương tủy sống được gợi ý bởi những thiếu hụt về thần kinh khi khám

  • Chấn thương tủy sống được gợi ý bởi một tiền sử thậm chí thoáng qua dấu hiệu tổn thương thần kinh

Điều trị chấn thương tủy sống ở trẻ em

  • Bất động

  • Duy trì oxy máu và tưới máu tủy sống

  • Chăm sóc hỗ trợ

  • Phẫu thuật cố định khi thích hợp

  • Chăm sóc dài hạn và phục hồi chức năng

Trẻ em bị chấn thương cột sống nên được chuyển tới trung tâm chấn thương nhi khoa.

Điều trị cấp tính tương tự như điều trị ở người lớn, với bất động và chú ý đến việc cung cấp đủ oxy, thông khí và tuần hoàn. Phẫu thuật ổn định ít được chỉ định ở trẻ em hơn so với người lớn bị tổn thương tủy sống; bởi vì dây chằng cột sống có xu hướng lỏng lẻo hơn trong chấn thương tủy sống mà không có bằng chứng về bất thường X-quang (SCIWORA) và gãy xương cũng như không có dây chằng hoàn toàn, nên có thể không có cấu trúc đích phù hợp để ổn định. Một ưu điểm khác của việc nẹp hỗ trợ là bảo vệ tính di động của cột sống bằng cách tránh phẫu thuật cố định cột sống; phẫu thuật cố định cột sống làm tăng nguy cơ trượt đốt sống về lâu dài.

Trong lịch sử, corticosteroid liều cao đã được sử dụng, nhưng nhiều thử nghiệm lâm sàng ở người lớn đã không chứng minh được bất kỳ lợi ích lâm sàng bổ sung nào nhưng đã cho thấy nguy cơ nhiễm trùng vết thương tăng lên, thuyên tắc phổi, nhiễm trùng huyết, và tử vong. Do đó, đối với trẻ em bị chấn thương tủy sống, các trung tâm ở Hoa Kỳ có xu hướng tránh sử dụng corticosteroid lâu dài, mặc dù một số bác sĩ lâm sàng chỉ sử dụng các đợt steroid liều cao trong thời gian ngắn trong giai đoạn chu phẫu.

Các phương pháp điều trị dài hạn cho SCIWORA ở trẻ em tương tự như chấn thương tủy sống người lớn, tập trung vào cả việc hồi phục chức năng của cơ thể của các chi bị tổn thương thần kinh và hỗ trợ y tế cho các biến chứng y khoa phổ biến khác xảy ra khi kéo dài thời gian bất động hoặc liệt. Sự phục hồi chức năng cần toàn diện bao gồm vật lý trị liệu để tập luyện dáng đi và sức mạnh của chi dưới, các liệu pháp trị liệu nghề nghiệp cho các tổn thương cho các tổn thương cột sống cổ ảnh hưởng đến chức năng vận động của chi trên có thể dẫn đến sự co cứng, và thậm chí các nhà trị liệu phát âm để giúp giải quyết các vấn đề rắc rối về nuốt và tiết dịch tiết ra có ảnh hưởng bởi chấn thương cột sống cổ cao. Chăm sóc y tế định kỳ và thăm nom là cần thiết cho tổn thương tủy nặng không thể đi lại được do nguy cơ cao phát sinh biến chứng do bất động.

Tiên lượng có liên quan trực tiếp đến chức năng thần kinh ban đầu sau khi bị thương. Trẻ em đạt được kết quả phục hồi thần kinh tốt hơn những bệnh nhân người lớn bị tổn thương tủy sống (1, 2).

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Pang D, Pollack IF: Spinal cord injury without radiographic abnormality in children—the SCIWORA syndrome. J Trauma 29:654–664, 1989 doi: 10.1097/00005373-198905000-00021

  2. 2. Wang MY, Hoh DJ, Leary SP, et al: High rates of neurological improvement following severe traumatic pediatric spinal cord injury. Spine 29:1493–1497, 2004. doi: 10.1097/01.BRS.0000129026.03194.0

Những điểm chính

  • Hầu hết các chấn thương tủy sống ở trẻ em xảy ra ở cổ.

  • Các triệu chứng thần kinh và dấu hiệu có thể bị trì hoãn từ 30 phút đến 4 ngày sau chấn thương ở khoảng 25% trẻ em bị bệnh.

  • Trẻ em có thể bị tổn thương tủy sống mà không có bằng chứng về bất thường X-quang (SCIWORA).

  • SCIWORA nên được nghi ngờ với các triệu chứng thậm chí thoáng qua của rối loạn chức năng thần kinh hoặc các cơn đau lan tỏa dọc cột sống hoặc tứ chi.

  • Chụp MRI ở tất cả các bệnh nhân có triệu chứng thần kinh, thiếu sót thần kinh khi khám, hoặc tổn thương cột sống được phát hiện trên các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

  • Phẫu thuật ổn định thường ít được chỉ định ở trẻ em hơn người lớn bị tổn thương tủy sống.