Thuốc điều trị động kinh

TheoBola Adamolekun, MD, University of Tennessee Health Science Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Không có thuốc duy nhất kiểm soát tất cả các loại co giật, và các bệnh nhân khác nhau yêu cầu các loại thuốc khác nhau. Một số bệnh nhân cần nhiều thuốc. (Xem thêm hướng dẫn thực hành cho điều trị chứng động kinh khó chữa từ Viện Thần kinh học Hoa Kỳ và Hiệp hội Động kinh Hoa Kỳ [1, 2].)

Hiếm khi, một loại thuốc chống động kinh có hiệu quả đối với một loại động kinh có thể làm trầm trọng thêm một loại động kinh khác.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Kanner AM, Ashman E, Gloss D, et al: Practice guideline update: Efficacy and tolerability of the new antiepileptic drugs I: Treatment of new-onset epilepsy. Report of the Guideline Development, Dissemination, and Implementation Subcommittee of the American Academy of Neurology and the American Epilepsy Society. Neurology 91 (2):74–81, 2018. doi: 10.1212/WNL.0000000000005755 Epub 2018 Jun 13.

  2. 2. Kanner AM, Ashman E, Gloss D, et al: Practice guideline update summary: Efficacy and tolerability of the new antiepileptic drugs II: Treatment-resistant epilepsy. Epilepsy Curr 18 (4):269–278, 2018. doi: 10.5698/1535-7597.18.4.269

Nguyên tắc điều trị lâu dài

Có một số nguyên tắc chung khi sử dụng thuốc chống động kinh (còn gọi là thuốc chống động kinh hoặc chống co giật):

  • Đơn trị liệu với 1 đến 2 lần điều trị thử thường là đủ để kiểm soát được động kinh co giật ở khoảng 60% bệnh nhân.

  • Nếu cơn co giật khó kiểm soát ngay từ khi khởi phát (trong 30 đến 40% bệnh nhân), cuối cùng có thể phải cần đến 2 thuốc.

  • Nếu động kinh kháng trị (kháng trị khi đã thử dùng đầy đủ 2 thuốc), cần chuyển bệnh nhân đến trung tâm động kinh để xác định xem họ có phải là đối tượng nên được phẫu thuật không.

Một số loại thuốc (ví dụ, phenytoin, valproate), dùng tiêm tĩnh mạch hoặc uống, đạt đến ngưỡng điều trị mục tiêu rất nhanh. Các thuốc khác (như lamotrigine, topiramate) phải bắt đầu với liều tương đối thấp và tăng dần trong vài tuần tới liều điều trị chuẩn, dựa trên khối lượng cơ của người bệnh. Phải điều chỉnh liều phù hợp với mức dung nạp thuốc của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có triệu chứng nhiễm độc thuốc khi nồng độ thuốc trong máu chỉ ở mức thấp; những người khác chịu được mức cao mà không có triệu chứng. Nếu động kinh tiếp diễn, liều hàng ngày tăng dần ít một.

Liều thích hợp của bất kỳ loại thuốc nào là liều thấp nhất ngăn chặn tất cả các cơn co giật và có ít tác dụng phụ nhất, bất kể nồng độ thuốc trong máu. Nồng độ thuốc trong máu chỉ mang tính hướng dẫn điều trị. Khi đã đáp ứng với thuốc, đánh giá lâm sàng sau đó sẽ hữu ích hơn việc đo nồng độ thuốc trong máu.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Xác định liều lượng thuốc theo tiêu chí lâm sàng (liều thấp nhất làm ngừng co giật và ít tác dụng phụ nhất), bất kể nồng độ thuốc trong máu.

Nếu độc tính tiến triển trước khi kiểm soát được động kinh, giảm liều xuống dưới liều gây độc trước đó. Sau đó, thêm một loại thuốc khác với liều thấp, tăng liều dần cho đến khi kiểm soát được động kinh. Cần phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân vì 2 thuốc có thể tương tác, ảnh hưởng tới tỷ lệ trao đổi chất, giáng hóa của một trong hai thuốc. Thuốc ban đầu nên giảm liều chậm, cuồi cùng có thể dừng hoàn toàn.

Nên tránh sử dụng nhiều loại thuốc nếu có thể vì có thể xảy ra tác dụng phụ, sự tuân thủ kém và tương tác thuốc tăng lên đáng kể. Thêm một loại thuốc thứ 2 hiệu quả trong khoảng 10% bệnh nhân, nhưng tỷ lệ tác dụng phụ tăng gấp đôi. Nồng độ thuốc chống co giật trong máu bị thay đổi bởi nhiều loại thuốc khác và ngược lại. Các bác sĩ cần phải nhận thức được tất cả các tương tác thuốc có thể xảy ra trước khi kê toa một loại thuốc mới.

Khi động kinh được kiểm soát, phải tiếp tục dùng thuốc mà không được gián đoạn cho đến khi bệnh nhân không bị động kinh trong ít nhất 2 năm. Vào thời điểm đó, có thể cân nhắc ngưng dùng thuốc. Hầu hết các thuốc này có thể được giảm liều 10% mỗi 2 tuần.

Tái phát có nhiều khả năng xảy ra ở những bệnh nhân đã từng có:

  • Một bệnh lý động kinh từ khi còn nhỏ

  • Cần > 1 loại thuốc để không có cơn động kinh

  • Các cơn co giật trước đây khi dùng thuốc chống co giật

  • Cơn động kinh cục bộ hoặc giật cơ

  • Bệnh não tĩnh (không tái phát) tiềm ẩn

  • Kết quả điện não đồ (EEG) bất thường trong năm qua

  • Tổn thương cấu trúc (nhìn thấy trên các chẩn đoán hình ảnh)

Trong số bệnh nhân tái phát, khoảng 60% bệnh nhân tái phát trong vòng 1 năm, và 80% bệnh nhân tái phát trong vòng 2 năm. Điều trị suốt đời nếu bệnh nhân có tái phát khi không dùng thuốc chống co giật.

Lựa chọn thuốc chống co giật để điều trị lâu dài

Các loại thuốc được ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào loại động kinh (xem bảng Lựa chọn thuộc cho động kinh). Để có thêm thông tin cụ thể về thuốc, xem Thuốc chống co giật đặc hiệu.

Theo truyền thống, các loại thuốc đã được tách ra thành các nhóm cũ và mới dựa trên thời điểm sẵn có trên thị trường. Tuy nhiên, một số thuốc được gọi là thuốc mới đã có trên thị trường trong nhiều năm nay.

Thuốc chống co giật phổ rộng (có hiệu quả đối với cơn động kinh khởi phát khu trú và các loại động kinh toàn thân khởi phát) bao gồm

  • Lamotrigine

  • Levetiracetam

  • Topiramate

  • Valproate

  • Zonisamide

Với những cơn động kinh cục bộcơn tăng trương lực - co giật toàn thể, các thuốc chống co giật mới (như clobazam, clonazepam, ezogabine, felbamate, lacosamide, lamotrigine, levetiracetam, oxcarbazepine, pregabalin, tiagabine, topiramate, zonisamide) không hiệu quả hơn so với các thuốc cũ. Tuy nhiên, các loại thuốc mới có xu hướng ít tác dụng phụ hơn và được dung nạp tốt hơn.

Rất khó điều trị giật cơ ở trẻ sơ sinh, động kinh mất trương lực,cơn động kinh giật cơ. Valproate hoặc vigabatrin được ưu tiên dùng trước, tiếp theo là clonazepam. Đối với chứng co thắt do động kinh, corticosteroid từ 8 đến 10 tuần thường có hiệu quả. Phác đồ tối ưu là vấn đề còn gây tranh cãi. Có thể sử dụng hormone kích thích vỏ thượng thận (ACTH) 20 đến 60 đơn vị IM mỗi ngày một lần. Chế độ ăn keto (một chế độ ăn kiêng có hàm lượng chất béo rất cao gây ra tình trạng keton) có thể hiệu quả nhưng khó duy trì.

Đối với động kinh múa giật ở vị thành niên, điều trị kéo dài suốt đời bằng valproate hoặc một loại thuốc chống co giật khác thường được khuyến khích. Carbamazepine, oxcarbazepine, hoặc gabapentin có thể làm trầm trọng cơn động kinh. Lamotrigine có thể được sử dụng như đơn trị liệu bậc hai (ví dụ: đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) hoặc điều trị bổ trợ cho bệnh động kinh múa giật thiếu niên; tuy nhiên, nó có thể làm trầm trọng thêm cơn co giật múa giật ở một số bệnh nhân động kinh múa giật thiếu niên.

Với co giật do sốt, không khuyến khích dùng thuốc trừ khi trẻ có cơn động kinh sau đó mà không có sốt. Trước đây, nhiều bác sĩ đã cho trẻ em bị co giật do sốt phức tạp dùng phenobarbital hoặc các loại thuốc chống co giật khác để ngăn chặn các cơn co giật không phát triển, nhưng cách điều trị này không có hiệu quả và việc sử dụng phenobarbital lâu dài sẽ làm giảm khả năng học tập.

Không khuyến cáo dùng thuốc chống cho giật cho tình trạng co giật do hội chứng cai rượu. Thay vào đó, điều trị hội chứng cai có xu hướng ngăn ngừa co giật. Điều trị thường bao gồm benzodiazepine.

Bảng

Các tác dụng bất lợi

Các tác dụng phụ khác nhau của thuốc chống động kinh có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn thuốc cho từng bệnh nhân. Ví dụ, thuốc chống co giật gây tăng cân (valproate) có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho bệnh nhân thừa cân và topiramate hoặc zonisamide có thể không phù hợp với bệnh nhân có tiền sử sỏi thận.

Có thể giảm thiểu một số tác dụng phụ của thuốc chống động kinh bằng cách tăng liều dần.

Nhìn chung, các thuốc chống co giật mới có những ưu điểm, như khả năng dung nạp tốt hơn, ít gây an thần và ít tương tác thuốc hơn.

Tất cả các loại thuốc chống co giật có thể gây dị ứng phát ban dạng scarlatiniform hoặc morbilliform.

Một số loại co giật có thể trở nên tồi tệ hơn do một số loại thuốc chống co giật. Ví dụ, pregabalin và lamotrigine có thể làm trầm trọng thêm cơn đông kinh giật cơ; carbamazepine có thể làm trầm trọng thêm cơn động kinh vắng ý thức, giật cơ, và mất trương lực.

Các tác dụng phụ khác nhau tùy theo loại thuốc (xem Thuốc chống co giật cụ thể).

Sử dụng thuốc chống động kinh trong thời kỳ mang thai

Thuốc chống động kinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ gây quái thai.

Hội chứng thuốc chống động kinh ở thai nhi (sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, tật đầu nhỏ, chậm phát triển, chậm phát triển, tướng mạo bất thường, thiểu sản chân tay hoặc chữ số) xảy ra ở 4% trẻ em của phụ nữ dùng thuốc chống động kinh trong thai kỳ.

Tuy nhiên, vì những cơn co giật khởi phát toàn thể không kiểm soát được trong thời gian mang thai có thể dẫn đến chấn thương và tử vong của thai nhi, nên khuyến cáo tiếp tục dùng thuốc khi mang thai. Cần thông báo cho phụ nữ về nguy cơ của thuốc chống co giật đối với thai nhi và nên xem xét nguy cơ dưới các góc nhìn khác nhau. Rượu độc hại hơn đối với bào thai đang phát triển so với bất kỳ thuốc chống co giật nào.

Nhiều loại thuốc chống động kinh làm giảm nồng độ folate và B12 trong huyết thanh; bổ sung vitamin đường uống có thể ngăn chặn tác dụng này. Bổ sung folate trước khi mang thai giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và nên khuyến cáo cho tất cả phụ nữ ở tuổi sinh đẻ và những người dùng thuốc chống co giật.

Nguy cơ gây quái thai ít hơn khi dùng đơn trị liệu và thay đổi theo từng loại thuốc chống co giật; không có gì an toàn hoàn toàn trong khi mang thai. Nguy cơ với carbamazepine, phenytoin và valproate tương đối cao; có bằng chứng là chúng đã gây ra các dị tật bẩm sinh ở người (xem bảng Một số thuốc có tác dụng phụ với phụ nữ mang thai). Nguy cơ khuyết tật ống thần kinh với valproate cao hơn một chút so với các loại thuốc chống động kinh thường được sử dụng khác. Nguy cơ với một số loại thuốc mới (ví dụ lamotrigine) dường như ít hơn.

Bảng

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. 1. Kanner AM, Ashman E, Gloss D, et al: Practice guideline update: Efficacy and tolerability of the new antiepileptic drugs I: Treatment of new-onset epilepsy. Report of the Guideline Development, Dissemination, and Implementation Subcommittee of the American Academy of Neurology and the American Epilepsy Society.

  2. 2. Kanner AM, Ashman E, Gloss D, et al: Practice guideline update summary: Efficacy and tolerability of the new antiepileptic drugs II: Treatment-resistant epilepsy.