Hội chứng đau xơ cơ

TheoDeepan S. Dalal, MD, MPH, Brown University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2024

Đau cơ xơ hóa là một bệnh lý phổ biến, không viêm, đặc trưng bởi đau nhức toàn thân (đôi khi nặng); ấn đau lan rộng ở các cơ, vùng xung quanh điểm bám gân và các mô mềm lân cận; cứng cơ; mệt mỏi; tâm trí u ám; ngủ kém; và một loạt các triệu chứng cơ thể khác. Chẩn đoán là lâm sàng. Điều trị bao gồm tập thể dục, chườm nóng tại chỗ, kiểm soát căng thẳng, dùng thuốc để cải thiện giấc ngủ và thuốc giảm đau không opioid.

Trong đau cơ xơ, bất kỳ cơ nào cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt các cơ vùng chẩm, cổ, vai, ngực, thắt lưng và đùi. Mặc dù có triệu chứng ở những khu vực này, nhưng không có bất thường mô học cụ thể. Các triệu chứng và dấu hiệu của đau cơ xơ có đặc điểm là lan toả, trái ngược với triệu chứng đau khu trú (hội chứng đau cân cơ), thường liên quan đến quá tải hoặc vi chấn thương.

Đau xơ cơ hay gặp; tỷ lệ ở nữ cao gấp 7 lần so với nam giới, hay gặp ở người trẻ tuổi hoặc trung niên, tuy nhiên cũng có thể gặp ở nam giới, trẻ em và thiếu niên. Do sự khác biệt về giới tính, đôi khi bệnh bị bỏ sót ở nam giới. Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc các bệnh thấp khớp hệ thống đồng thời, không liên quan, do đó làm phức tạp việc chẩn đoán và xử trí. Các vùng bao hoạt dịch, chẳng hạn như vùng cơ chân ngỗng và vùng mấu chuyển, thường bị thương tổn trong khuôn khổ của hội chứng đau toàn thân, nhưng các "đợt bùng phát" rất cục bộ trong đau cơ xơ hóa cần phải được đánh giá như ở những bệnh nhân không bị đau cơ xơ hóa.

Căn nguyên của đau cơ xơ hóa

Bằng chứng hiện tại cho thấy bệnh đau cơ xơ có thể là bệnh lý nhạy cảm đau liên quan đến thần kinh trung ương. Nguyên nhân không rõ, nhưng sự gián đoạn của giai đoạn 4 của giấc ngủ cũng nhưng các căng thằng tinh thần có thể là yếu tố khởi phát bệnh. Đau cơ xơ hóa có thể tạm thời xảy ra sau nhiễm trùng do vi rúts hoặc nhiễm trùng toàn thân khác (ví dụ: bệnh Lyme hoặc có thể là nhiễm COVID-19 [1]) hoặc do chấn thương, nhưng liệu pháp kháng vi-rút hoặc kháng sinh bổ sung hoặc kéo dài không được chỉ định vì nó chưa được chứng minh là có hiệu quả.

Tài liệu tham khảo nguyên nhân gây bệnh

  1. 1. Ursini F, Ciaffi J, Mancarella L, et al: Fibromyalgia: a new facet of the post-COVID-19 syndrome spectrum? Results from a web-based survey. RMD Open. 7(3):e001735, 2021. doi: 10.1136/rmdopen-2021-001735. PMID: 34426540; PMCID: PMC8384499.

Các triệu chứng và dấu hiệu của đau cơ xơ hóa

Co cứng và đau thường khởi phát từ từ và lan tỏa, đau biểu hiện rõ rệt. Đau đang lan rộng và có thể nặng hơn khi có các dấu hiệu khác kèm theo như sự mệt mỏi, căng cơ hoặc quá tải vận động.

Bệnh nhân thường có nhiều triệu chứng thực thể khác nhau. Mệt mỏi hay gặp cũng như là các rồi loạn nhận thức như khó tập trung và có tâm trạng u ám. Nhiều bệnh nhân cũng có triệu chứng hội chứng ruột kích thích, viêm bàng quang kẽ, đau nửa đầu hoặc đau đầu. Có thể có hiện tượng di cảm, đặc biệt biểu hiện đối xứng và thường di chuyển.

Các triệu chứng có thể trầm trọng hơn do các rối loạn đồng thời như đau cơ xương khớp ở bệnh nhân viêm khớp (ví dụ: viêm khớp dạng thấp) hoặc rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hoặc trầm cảm.

Bệnh nhân có thể bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, tham vọng, và đôi khi trầm cảm. Bệnh nhân có xu hướng trở thành những người cầu toàn.

Khám thực thể không có gì đáng chú ý ngoại trừ các vùng cơ riêng biệt, cụ thể (điểm ấn đau) có cảm giác đau khác nhau khi sờ nắn. Vùng đau không có biểu hiện sưng, đỏ hoặc ấm; khi có các biểu hiện đó nên nghĩ tới một chẩn đoán khác.

Chẩn đoán đau cơ xơ hóa

  • Tiêu chuẩn lâm sàng

  • Thăm khám tỉ mỉ để loại trừ các bệnh lý khác.

Nghĩ đến đau xơ cơ ở các bệnh nhân sau:

  • Đau toàn thân, đặc biệt khi không tương xứng với kết quả thăm khám lâm sàng.

  • Kết quả xét nghiệm âm tính mặc dù các triệu chứng lan tỏa.

  • Mệt mỏi là một triệu chứng nổi trội

Chẩn đoán đau cơ xơ nên được nghĩ tới ở những bệnh nhân có dấu hiệu đau lan tỏa kéo dài ít nhất 3 tháng, đặc biệt khi có nhiều triệu chứng thực thể kèm theo. Đau được xem là lan tỏa khi bệnh nhân biểu hiện đau cả 2 bên phải và trái, trên và dưới eo, và ở các khớp trục (cột sống cổ, trước ngực hoặc cột sống ngực hoặc thắt lưng).

Chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng của Hội thấp khớp học Hoa Kỳ (1), bao gồm sự kết hợp của đau khớp và đau không phải do khớp (đôi khi bao gồm cả đau lan tỏa toàn thân) với biểu hiện các triệu chứng về nhận thức và thực thể khác nhau, như được liệt kê ở trên và được phân loại ở mức độ nặng. Tiêu chuẩn chẩn đoán trước dựa trên biểu hiện đau ở 18 vị trí đau đặc hiệu. Tiêu chuẩn này đã bị loại bỏ vì khó đánh giá mức độ đau khi ấn một cách nhất quán, các điểm ấn đau có thể dao động về cường độ và được cho là có lợi khi có các tiêu chuẩn hoàn toàn dựa trên triệu chứng. Tuy nhiên, triệu chứng đau khá phổ biến, và một số bác sĩ chuyên khoa tiếp tục đánh giá nó một cách có hệ thống.

Các xét nghiệm để tìm các nguyên nhân khácbao gồm: tốc độ máu lắng hoặc CRP, CK và có thể làm các hormone về tuyến giáp để phát hiện suy giáp, viêm gan virus C (có thể gây mệt mỏi và đau cơ toàn thân). Đau cơ xơ hóa thường không gây ra bất thường trong các xét nghiệm này. Các xét nghiệm khác (ví dụ: xét nghiệm huyết thanh học cho các rối loạn thấp khớp) chỉ nên được thực hiện nếu được chỉ định bởi các dấu hiệu trong tiển sử, khám thực thể và/hoặc các xét nghiệm thường quy trong phòng thí nghiệm.

Để tránh sai sót, bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc những điều sau:

Ngọc trai & cạm bẫy

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. Wolfe F, Clauw DJ, Fitzcharles MA, et al: 2016 revisions to the 2010/2011 fibromyalgia diagnostic criteria. Semin Arthritis Rheum 46(3):319–329, 2016. doi: 10.1016/j.semarthrit.2016.08.012.

Điều trị đau cơ xơ hóa

  • Tập các bài tập kéo giãn và aerobic, nhiệt trị liệu tại chỗ và matxa

  • Kiểm soát căng thẳng

  • Các loại thuốc như là thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine, thuốc gABA hoặc cyclobenzaprine

  • Thuốc giảm đau không opioid

Tập các bài tập kéo giãn, aeroic, thể dục căng thẳng, tập thể dục aerobic, ngủ ngon và đủ giấc, chườm nóng cục bộ, matxa nhẹ nhàng có thể có hiệu quả cải thiện bệnh. Kiểm soát căng thẳng (ví dụ, tập thở sâu, Quản lý căng thẳng nói chung (ví dụ như tập thở sâu, thiền định, hỗ trợ tâm lý, tư vấn nếu cần thiết) là rất quan trọng.

Nên thực hiện hàng ngày các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng các cơ bị đau; mỗi khi tập nên giữ tư thế kéo giãn trong vòng 30 giây và lặm lại khoảng 5 lần. Tập aerobic (ví dụ như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp tập thể dục) có thể làm giảm triệu chứng.

Cải thiện giấc ngủ là rất quan trọng. Bệnh nhân cần phải được sàng lọc các rối loạn giấc ngủ (ví dụ: ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn) và các yếu tố khác có thể cản trở giấc ngủ. Vệ sinh giấc ngủ tốt cũng nên được nhấn mạnh.

Điều trị bằng thuốc trong đau cơ xơ hóa (ví dụ: amitriptyline, duloxetine, milnacipran và pregabalin) có thể được sử dụng như một biện pháp bổ trợ để cải thiện giấc ngủ và kiểm soát căng thẳng; các liệu pháp này có thể làm giảm đau một cách nhẹ nhàng. Thuốc an thần, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng đường uống liều thấp (ví dụ: amitriptyline 10 mg đến 50 mg) hoặc thuốc cyclobenzaprine tương tự về mặt dược lý), được dùng trước khi đi ngủ và có thể thúc đẩy giấc ngủ sâu hơn và giảm đau cơ. Cần sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (ví dụ: duloxetine) là một lựa chọn thay thế hợp lý, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mệt mỏi và trầm cảm nặng. Pregabalin và gabapentin cũng có thể đặc biệt hữu ích cho những bệnh nhân có vấn đề về giấc ngủ nặng hơn. Buồn ngủ, khô miệng và các tác dụng bất lợi khác có thể khiến một số hoặc tất cả các loại thuốc này không thể dung nạp được, đặc biệt là đối với bệnh nhân cao tuổi.

Thuốc giảm đau không opiod (như acetaminophen, NSAID) có thể có hiệu quả điều trị bệnh. Nên tránh opioid.

Thỉnh thoảng tiêm bupivacain 0,5% hoặc lidocain 1% từ 1 mL đến 5 mL có thể làm giảm các vùng bị ấn đau khu trú, nhưng không nên dựa vào các mũi tiêm này như phương pháp điều trị ban đầu vì bằng chứng không hỗ trợ việc sử dụng thường xuyên và không giải quyết được tình trạng đau lan rộng do đau cơ xơ hóa.

Các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng cần được xem xét để xác định những loại thuốc có thể làm nặng thêm vấn đề về giấc ngủ. Nên tránh dùng các loại thuốc này. Lo lắng, trầm cảm, và đặc biệt là rối loạn lưỡng cực, nếu có, nên được điều trị.

Bằng chứng cũng ủng hộ việc sử dụng capsaicin, phản hồi sinh học, xoa bóp, liệu pháp thôi miên, can thiệp trị liệu thần kinh cột sống, và các liệu pháp bổ sung cũng như thay thế khác nằm trong các khuyến nghị của Liên minh các Hiệp hội Thấp khớp học Châu Âu (EULAR) để kiểm soát chứng bệnh đau xơ cơ (1). Mặc dù các thử nghiệm phân nhóm ngẫu nhiên và đánh giá có hệ thống đã đánh giá một số liệu pháp này so với các biện pháp kiểm soát, nhưng hiệu quả tổng thể của các liệu pháp này là rất nhỏ.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Macfarlane GJ, Kronisch C, Dean LE, et al: EULAR revised recommendations for the management of fibromyalgia. Ann Rheum Dis. 76(2):318-328, 2017. doi: 10.1136/annrheumdis-2016-209724.

Tiên lượng cho bệnh đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa có xu hướng mạn tính nhưng có thể cải thiện một cách tự nhiên nếu căng thẳng giảm. Nó cũng có thể tái phát trong khoảng thời gian nhất định. Tiên lượng chức năng thường tốt ở những bệnh nhân được điều trị bằng một chương trình toàn diện và tính hỗ trợ, tuy nhiên triệu chứng thường tồn tại dai dẳng ở một mức độ nào đó. Bệnh có thể nặng lên nếu bệnh nhân có nhiều rối loạn cảm xúc không được điều trị.

Những điểm chính

  • Nghi ngờ đau cơ xơ khi có triệu chứng đau lan tỏa và triệu chứng cứng cơ, mệt mỏi không tìm được nguyên nhân, kéo dài nhiều năm hoặc khi các thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm bình thường.

  • Cân nhắc làm các xét nghiệm tốc độ máu lắng, CRP, creatine kinase CK, chức năng tuyến giáp, viêm gan virus C, và nghĩ tới hội chứng mệt mỏi mạn tínhđau đa cơ dạng thấp. Chỉ tiến hành xét nghiệm thêm các bệnh thấp khớp toàn thân nếu các xét nghiệm đó được đề xuất cụ thể qua đánh giá lâm sàng.

  • Nghĩ đến đau cơ xơ hóa ở những bệnh nhân có các đợt cấp bệnh thấp khớp toàn thân rõ ràng như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh lupus ban đỏ hệ thống nhưng không có bằng chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm để xác nhận các đợt cấp đó.

  • Điều trị bằng các biện pháp tập luyện, kiểm soát lo âu, cải thiện giấc ngủ và khi cần thiết có thể cho các thuốc giảm đau không opioid để giảm đau.