Chít Hẹp cổ tử cung

TheoCharles Kilpatrick, MD, MEd, Baylor College of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 2 2023

Hẹp cổ tử cung là tình trạng hẹp hoặc tắc (hẹp) lỗ trong cổ tử cung. Tình trạng này thường không có triệu chứng nhưng có thể gây đau bụng kinh hoặc hiếm khi gây vô sinh. Chẩn đoán bằng khám vùng chậu. Điều trị là theo dõi hoặc nong.

Chít hẹp cổ tử cung có thể do bẩm sinh hay do mắc phải.

Các nguyên nhân thường gặp nhất của hẹp cổ tử cung

  • Mãn kinh

  • Phẫu thuật cổ tử cung (ví dụ, khoét chóp, đốt điện cổ tử cung)

  • Quá trình cắt bỏ niêm mạc để điều trị các tổn thương bất thường ở tử cung gây rong kinh

  • Ung thư cổ tử cung hoặc tử cung

  • Liệu pháp bức xạ

Chít hẹp có thể một phần hoặc hoàn toàn.

Nó có thể dẫn đến những điều sau đây:

  • Tích huyết tử cung (tích tụ máu trong tử cung), gây đau vùng chậu hoặc đau bụng kinh

  • Ở phụ nữ tiền mạn kinh, máu kinh trào ngược vào vùng chậu, có thể gây lạc nội mạc tử cung

  • Ứ mủ buồng tử cung (tích tụ mủ trong tử cung), đặc biệt ở phụ nữ bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư tử cung

  • Hiếm khi vô sinh

Các triệu chứng và dấu hiệu của hẹp cổ tử cung

Hẹp cổ tử cung thường không có triệu chứng.

Các triệu chứng khi xuất hiện có thể bao gồm vô kinh, đau bụng kinh, chảy máu bất thường và vô sinh ở phụ nữ tiền mãn kinh. Phụ nữ sau mạn kinh có thể không có triệu chứng trong thời gian dài.

Ứ máu hoặc ứ mủ làm cho tử cung tăng kích thước và đôi khi có thể sờ thấy khối.

Chẩn đoán hẹp cổ tử cung

  • Khám vùng chậu bằng dụng cụ

Hẹp cổ tử cung thường chỉ được chẩn đoán khi các bác sĩ lâm sàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với buồng tử cung trong các xét nghiệm được thực hiện vì một lý do khác. Có thể bị nghi ngờ dựa trên các triệu chứng và dấu hiệu (đặc biệt khi thấy đột ngột vô kinh hay đau bụng kinh sau phẫu thuật cổ tử cung) hoặc không làm được xét nghiệm tế bào ống cổ tử cung hoặc niêm mạc tử cung để làm xét nghiệm chẩn đoán (ví dụ, xét nghiệm Papanicolaou).

Chẩn đoán hẹp hoàn toàn được xác định nếu đầu dò có đường kính từ 1 đến 2 mm (thước đo tử cung hoặc dụng cụ nong) không thể đưa vào khoang tử cung.

Đối với phụ nữ sau mạn kinh, không có tiền sử làm xét nghiệm Pap bất thường và những phụ nữ không có triệu chứng hoặc không có bất thường gì về tử cung thì không cần đánh giá thêm.

Nếu hẹp cổ tử cung gây ra các triệu chứng hoặc bất thường tại tử cung (ví dụ như ứ máu, ứ mủ tử cung), thì cần làm xét nghiệm tế bào, sinh thiết niêm mạc tử cung hoặc nong và nạo (D & C) buồng tử cung phải thực hiện để loại trừ ung thư.

Điều trị hẹp cổ tử cung

  • Nếu có triệu chứng thì nong và đặt dụng cụ nong cổ tử cung

Thông thường không cần điều trị hẹp cổ tử cung. Điều trị chỉ được chỉ định nếu có các triệu chứng hoặc có các bất thường ở tử cung và thường liên quan đến việc nong cổ tử cung và đặt stent cổ tử cung.

Những điểm chính

  • Hẹp cổ tử cung có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải (ví dụ, do mạn kinh, phẫu thuật cổ tử cung, tổn thương lớp niêm mạc tử cung, ung thư cổ tử cung hay tử cung, hoặc sau xạ trị).

  • Hẹp cổ tử cung thường không có triệu chứng.

  • Đặt dụng cụ nong cổ tử cung khi có triệu chứng hay dấu hiệu không có khả năng lấy mẫu ống cổ tử cung hay niêm mạc tử cung để làm xét nghiệm, khi không đưa được dụng cụ thăm dò 1- đến 2-mm vào buồng tử cung thì chứng tỏ là chít hẹp hoàn toàn.

  • Nếu có triệu chứng hoặc các bất thường về tử cung (ví dụ như ứ máu, ứ mủ), cần loại trừ ung thư bằng xét nghiệm tế bào cổ tử cung và sinh thiết nội mạc tử cung hoặc D & C và đặt dụng cụ nong cổ tử cung.