Viêm não

TheoJohn E. Greenlee, MD, University of Utah Health
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 7 2024

Viêm não là tình trạng viêm nhu mô não do vi rút xâm nhập trực tiếp hoặc xảy ra như một biến chứng miễn dịch sau nhiễm trùng do phản ứng quá mẫn với vi rút hoặc một protein lạ khác. Triệu chứng bao gồm sốt, đau đầu và tình trạng tinh thần thay đổi, thường đi kèm với co giật hoặc thiếu sót thần kinh khu trú. Chẩn đoán cần phải phân tích dịch não tủy và chẩn đoán hình ảnh thần kinh. Điều trị bao gồm dùng thuốc kháng vi rút khi có chỉ định (ví dụ: trong trường hợp viêm não do vi rút herpes simplex) và chỉ mang tính hỗ trợ.

(Xem thêm Giới thiệu về Nhiễm trùng não.)

Căn nguyên của viêm não

Nhiễm virut nguyên phát

Vi rút gây viêm não nguyên phát xâm nhập trực tiếp vào não. Những nhiễm trùng này có thể

Viêm não arbovirus do muỗi lây truyền vào người trong mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu khi thời tiết ấm áp (xem bảng Một số vi rút gây viêm não). Tỷ lệ mắc bệnh ở Hoa Kỳ dao động từ 150 trường hợp đến > 4.000 trường hợp mỗi năm, chủ yếu ở trẻ em. Hầu hết các trường hợp xảy ra trong các vụ dịch.

Bảng
Bảng

Ở Hoa Kỳ, bệnh viêm não rải rác phổ biến nhất là do vi rút herpes simplex (HSV) gây ra; hàng trăm đến hàng nghìn trường hợp xảy ra hàng năm. Hầu hết là do HSV-1, nhưng HSV-2 có thể phổ biến hơn ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Viêm não do HSV xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, có xu hướng ảnh hưởng đến bệnh nhân < 20 hoặc > 40 năm, và thường gây tử vong nếu không được điều trị.

Bệnh dại vẫn là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm não ở các nước đang phát triển và vẫn gây ra một số trường hợp viêm não ở Hoa Kỳ.

Viêm não cũng có thể xảy ra như một sự tái hoạt muộn của nhiễm vi rút tiềm ẩn hoặc cận lâm sàng. Các loại được biết đến nhiều nhất

Phản ứng miễn dịch

Viêm não có thể xảy ra như một biến chứng miễn dịch thứ phát của một số bệnh nhiễm vi rút hoặc tiêm chủng. Phản ứng viêm mất myelin của não và tủy sống có thể xảy ra 1 đến 3 tuần sau (như viêm não tủy rải rác cấp tính) Hệ miễn dịch sẽ tấn công các kháng nguyên của hệ thần kinh trung ương (CNS) giống với các protein của các tác nhân lây nhiễm. Nguyên nhân phổ biến nhất của biến chứng này thường là sởi, rubella, thủy đậu và quai bị (tất cả bây giờ không hay gặp vì tiêm chủng ở trẻ em đã phổ biến rộng rãi); vắc xin thủy đậu; vắc xin vi rút sống (ví dụ: vắc xin phòng bệnh dại trước đây được sản xuất từ não cừu hoặc dê). Ở Hoa Kỳ, hầu hết các trường hợp hiện nay là do vi rút cúm A hoặc B, enteroviruses, vi rút Epstein-Barr (1), vi rút herpes (2), vi rút hepatitis A hoặc vi rút hepatitis B hoặc HIV. Viêm não qua trung gian miễn dịch cũng xảy ra ở bệnh nhân ung thư và các rối loạn tự miễn dịch khác.

Hiếm khi, viêm não biểu hiện đã phát triển ở những bệnh nhân mắc COVID-19, do loại coronavirus mới gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV2) gây ra; cơ chế chưa rõ ràng, nhưng có thể có sự đóng góp của miễn dịch vào cơ chế gây viêm não rõ ràng (2).

Bệnh não do kháng thể tự miễn với protein màng tế bào thần kinh (ví dụ: thụ thể N-methyl-daspartate [NMDAR]) có thể giống với viêm não do vi rút. Các nghiên cứu chỉ ra rằng viêm não do kháng NMDAR phổ biến hơn viêm não do vi rút. Viêm não Anti-NMDAR lần đầu tiên được mô tả ở phụ nữ trẻ bị u quái buồng trứng nhưng có thể xảy ra ở cả hai giới và ở mọi lứa tuổi.  Viêm não do kháng NMDAR cũng xảy ra như một biến chứng sau nhiễm trùng của viêm não do HSV, dẫn đến suy giảm chức năng trên lâm sàng trong vòng vài tuần sau khi nhiễm HSV.

Tài liệu tham khảo về căn nguyên

  1. 1. Schwenkenbecher P, Skripuletz T, Lange P, et al; German Network for Research on Autoimmune Encephalitis: Intrathecal antibody production against Epstein-Barr, herpes simplex, and other neurotropic viruses in autoimmune encephalitis. Neurol Neuroimmunol Neuroinflamm 8(6):e1062, 2021. doi: 10.1212/NXI.0000000000001062

  2. 2. Meinhardt J, Streit S, Dittmayer C, et al: The neurobiology of SARS-CoV-2 infection. Nat Rev Neurosci 25(1):30-42, 2024. doi: 10.1038/s41583-023-00769-8

Sinh lý bệnh của viêm não

Trong viêm não cấp, phản ứng viêm và phù nề xảy ra ở các khu vực bị nhiễm khuẩn trong toàn bộ bán cầu não, thân não, tiểu não, và đôi khi, cả tủy sống. Xuất huyết dạng chấm có thể biểu hiện ở những bệnh nhiễm trùng nặng. Sự xâm nhập trực tiếp của vi rút vào não thường gây tổn thương các tế bào thần kinh, đôi khi tạo ra các thể vùi có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi và gây ra tình trạng viêm có thể kéo dài sau khi vi rút đã được loại bỏ (1). Nhiễm trùng nặng, đặc biệt là viêm não do vi rút herpes simplex (HSV) không được điều trị, có thể gây hoại tử xuất huyết não.

Viêm não tủy rải rác cấp tính được đặc trưng bởi nhiều ổ mất myelin quanh tĩnh mạch và không có vi rút trong não.

Tài liệu tham khảo về sinh lý bệnh

  1. 1. Godinho-Silva C, Cardoso F, Veiga-Fernandes H: Neuro-immune cell units: A new paradigm in physiology. Annu Rev Immunol 237:19-46, 2019. doi: 10.1146/annurev-immunol-042718-041812

Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm não

Các triệu chứng của viêm não bao gồm sốt, nhức đầu và tình trạng tâm thần bị thay đổi, thường kèm theo co giật và suy giảm thần kinh khu trú. Tiền triệu bệnh đường tiêu hóa (GI) hoặc đường hô hấp có thể xuất hiện trước những triệu chứng này. Các dấu hiệu màng não thường nhẹ và ít nổi bật hơn các biểu hiện khác.

Trạng thái động kinh, nhất là trạng thái động kinh co giật, hoặc hôn mê gợi ý viêm não nặng và tiên lượng xấu.

Các cơn động kinh khứu giác, biểu hiện dưới dạng cơn aura khứu giác như luồng hơi mùi hôi (trứng thối, thịt cháy), cho thấy sự ảnh hưởng tới thùy thái dương và gợi ý viêm não HSV.

Chẩn đoán viêm não

  • MRI

  • Xét nghiệm dịch não tủy (CSF)

Cần nghi ngờ viêm não ở những bệnh nhân có những thay đổi không thể giải thích về tình trạng tinh thần. Biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán phân biệt có thể gợi ý các xét nghiệm chẩn đoán nhất định, nhưng chụp MRI và phân tích CSF (bao gồm phản ứng chuỗi polymerase [PCR] tìm HSV và các vi rút khác) thường được thực hiện, kèm theo các xét nghiệm khác (ví dụ xét nghiệm huyết thanh học) để xác định vi rút gây bệnh. Mặc dù làm nhiều xét nghiệm, nhưng nhiều trường hợp viêm não vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Viêm não do cytomegalovirus nên được xem xét ở bệnh nhân HIV/AIDS hoặc các tình trạng suy giảm miễn dịch khác và có thể được chẩn đoán bằng PCR.

MRI

MRI có tiêm thuốc đối quang từ rất nhậy đối với viêm não HSV giai đoạn sớm, có hình ảnh phù nề vùng trán mắt và vùng thái dương, những khu vực thường bị nhiễm HSV. Chụp MRI cho thấy tình trạng mất myelin trong bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển và có thể cho thấy những bất thường ở hạch nền và đồi thị trong bệnh viêm não Tây sông Nile và viêm não ngựa miền Đông. MRI cũng có thể loại trừ các tổn thương có biểu hiện giống bệnh viêm não vi rút (ví dụ: áp xe não, huyết khối xoang tĩnh mạch dọc).

CT ít nhạy hơn MRI đối với viêm não HSV nhưng có thể hữu ích vì phim này luôn sẵn có và có thể loại trừ các bệnh lý có thể gây nguy hiểm nhiều khi chọc dò thắt lưng (ví dụ: tổn thương gây choán chỗ, tràn dịch não, phù não).

Xét nghiệm dịch não tuỷ

Chọc dịch não tủy được thực hiện (1, 2). Nếu có viêm não thì CSF sẽ đặc trưng bởi tăng tế bào lympho, glucose bình thường, protein tăng nhẹ và không có các mầm bệnh sau khi nhuộm Gram và nuôi cấy (tương tự như CSF trong viêm màng não vô khuẩn). Có thể tăng tế bào là đa nhân trong nhiễm trùng nặng. Các bất thường của CSF có thể không tiến triển đến 8-24 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng Hoại tử xuất huyết có thể làm hồng cầu (RBC) xuất hiện trong dịch não tủy và tăng protein. Nồng độ glucose trong dịch não tủy có thể thấp khi nguyên nhân gây bệnh là vi rút varicella-zoster, quai bị hoặc vi rút gây vlêm màng não đám rối màng mạch tăng lympho.

Mẫu dịch não tủy nên được gửi để xác định vi rút bằng PCR hoặc, trong trường hợp nghi ngờ nhiễm arbovirus, phát hiện kháng thể kháng vi rút trong dịch não tủy. Xét nghiệm PCR dịch não tủy là xét nghiệm chẩn đoán được lựa chọn cho HSV-1, HSV-2, vi rút varicella-zoster, cytomegalovirus, enterovirus và vi rút JC. PCR đối với HSV trong CSF đặc biệt nhạy và đặc hiệu. Tuy nhiên, kết quả không thể có nhanh chóng được và dù có những tiến bộ trong công nghệ, các kết quả âm tính giả và dương tính giả có thể vẫn xảy ra do nhiều điều kiện khác nhau; không phải tất cả đều là lỗi kỹ thuật (ví dụ: máu trong một CSF do chọc bị chạm ven nhẹ có thể ức chế bước khuếch đại của PCR). Kết quả âm tính giả có thể xảy ra sớm trong viêm não do HSV-1; nếu nghi ngờ kết quả âm tính giả dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm nên được lặp lại sau 48 đến 72 giờ. Một quy trình PCR đa kênh được phát triển gần đây, có thể phát hiện đồng thời nhiều loại vi rút và các tác nhân lây nhiễm khác, cung cấp thông tin chẩn đoán trong vòng vài giờ. Kết quả PCR đa kênh có thể cần được xác nhận bằng PCR thông thường.

Enteroviruses có thể phát triển trong môi trường nuôi cấy CSF nhưng hầu hết các virut khác không được. Vì lý do này, việc nuôi cấy vi rút trong dịch não tủy đã được thay thế bằng PCR và hiếm khi được sử dụng trong chẩn đoán.

Các bảng chuẩn độ IgM của CSF thường hữu ích để chẩn đoán nhiễm trùng cấp tính, đặc biệt là bệnh viêm não West Nile. Đối với loại bệnh này, các xét nghiệm này đáng tin cậy hơn so với PCR. Hiệu giá IgG và IgM trong dịch não tủy có thể nhạy hơn PCR đối với bệnh viêm não do nhiễm vi rút varicella-zoster tái hoạt động. Các xét nghiệm huyết thanh học giai đoạn cấp tính và giai đoạn hồi phục của CSF và máu phải được thực hiện cách nhau vài tuần; Các xét nghiệm này có thể phát hiện sự gia tăng của các nồng độ kháng thể vi rút đối với một số bệnh nhiễm virut nhất định.

Sinh thiết não

Sinh thiết não có thể được chỉ định cho những bệnh nhân

  • Đang xấu đi

  • Đáp ứng kém với điều trị bằng acyclovir hay thuốc chống vi khuẩn khác

  • Có thương tổn vẫn chưa chẩn đoán được

Tuy nhiên, sinh thiết não có độ chính xác thấp trừ khi đích sinh thiết là một bất thường nhìn thấy trên MRI hoặc CT.

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. Venkatesan AR, Tunkel KC, Bloch AS, et al: Case definitions, diagnostic algorithms, and priorities in encephalitis: Consensus statement of the International Encephalitis Consortium. Clin Infect Dis 57(8):1114–1128, 2013. doi.org/10.1093/cid/cit458

  2. 2. Funk S, Knapp JK, Lebo E, et al: Combining serological and contact data to derive target immunity levels for achieving and maintaining measles elimination. BMC Med 17(1):180, 2109. doi: 10.1186/s12916-019-1413-7

Điều trị viêm não

  • Chăm sóc hỗ trợ

  • Acyclovir đối với HSV hoặc viêm não vi rút varicella-zoster

Liệu pháp hỗ trợ đối với bệnh viêm não bao gồm điều trị sốt, mất nước, rối loạn điện giải, và động kinh. Cần được duy trì tình trạng đẳng tích.

Bởi vì việc xác định kịp thời HSV hoặc vi rút varicella-zoster bằng PCR là khó khăn, không nên điều trị để chờ xác nhận. Cho đến khi loại trừ được viêm não HSV và viêm não do vi rút varicella-zoster, nên bắt đầu dùng acyclovir tiêm tĩnh mạch ngay lập tức và tiếp tục trong 14 ngày hoặc cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm các loại vi rút này. Acyclovir tương đối không độc hại nhưng có thể gây bất thường chức năng gan, ức chế tủy xương, và suy thận thoáng qua. Truyền acyclovir tĩnh mạch chậm trong vòng hơn 1 giờ với lượng nước phù hơp giúp ngăn ngừa độc tính trên thận. Nếu nghi ngờ cytomegalovirus (ví dụ: ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch), PCR thường được thực hiện trước khi bắt đầu điều trị. Viêm não do Cytomegalovirus có thể được điều trị bằng ganciclovir và/hoặc các thuốc kháng vi rút khác.

Do nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do vi khuẩn thường khó loại trừ khi bệnh nhân có vẻ bị bệnh nặng, nên thường phải dùng kháng sinh theo kinh nghiệm cho đến khi loại trừ được viêm màng não do vi khuẩn.

Nếu các bác sĩ lâm sàng nghi ngờ rằng viêm não là do phản ứng miễn dịch (ví dụ: viêm não tủy lan tỏa cấp tính [viêm não tủy sau nhiễm trùng]), nên bắt đầu điều trị ngay lập tức; nó có thể bao gồm corticosteroid (prednisone hoặc methylprednisolone) và thay huyết tương hoặc globulin miễn dịch đường tĩnh mạch.

Tiên lượng về viêm não

Quá trình hồi phục sau viêm não vi rút có thể mất một thời gian rất dài. Tỷ lệ tử vong thay đổi theo nguyên nhân, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh do cùng một loại vi rút cũng thay đỗi trong các năm khác nhau. Thiếu sót thần kinh thường gặp ở những bệnh nhân sống sót sau nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân cũng có thể bị suy giảm trí nhớ sau khi nhiễm vi rút (1).

Tài liệu tham khảo về tiên lượng bệnh

  1. 1. Kvam KA, Stahl JP, Chow FC, et al: Outcome and sequelae of infectious encephalitis. J Clin Neurol 20(1):23-36, 2024. doi: 10.3988/jcn.2023.0240

Những điểm chính

  • Virus gây ra dịch bệnh hoặc nhiễm trùng lẻ tẻ có thể xâm nhập và lây nhiễm vào nhu mô não (gây ra viêm não) và/hoặc gây ra sự thoái hoá viêm nhiễm sau nhiễm trùng (viêm não tủy não rải rác cấp tính).

  • Viêm não gây ra sốt, đau đầu, và tình trạng tinh thần thay đổi, thường kèm theo cơn co giật và dấu hiệu thần kinh khu trú.

  • Chụp MRI có tiêm thuốc cản quang và xét nghiệm CSF.

  • Cho đến khi loại trừ được viêm não vi rút HSV và vi rút varicella-zoster, phải điều trị ngay với acyclovir và liên tục trong 14 ngày hoặc cho đến khi loại trừ tình trạng nhiễm các loại vi rút.

  • Nếu viêm não do phản ứng miễn dịch, điều trị có thể bao gồm corticosteroid (prednisone hoặc methylprednisolone) và globulin miễn dịch trong huyết tương hoặc trao đổi chất hoặc globulin miễn dịch.